(Tổ Quốc)- Những ngày này, Hà Nội chớm đông, cộng đồng mạng xã hội Facebook "dậy sóng" với món hồng chín treo gió.
Có loại hồng mà bán đi cũng tiếc!
Mùa thu, đông là mùa hồng ngâm ở Đà Lạt hoặc các tỉnh phía Bắc. Những gánh hồng giòn đỏ ửng được trồng từ các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai… chuyển về dưới xuôi bán cho thực khách.
Không chỉ được yêu thích món hồng giòn, người dân muốn lưu giữ hương vị món hồng khi đã qua hết mùa bằng cách làm món treo gió.
Chị Lê Ngọc Yến, một chủ shop bán hàng online tại Hà Nội cho hay, từ lúc chia sẻ thông tin về món hồng chín treo gió, rất nhiều đơn hàng được gửi đến nhưng chị đành chịu vì làm rất kỳ công nhưng ăn thì trong vòng nháy mắt là hết cả cân!
Món hồng treo gió đang làm mưa làm gió.
Thậm chí, dù có bán 500 ngàn đồng/kg cũng cảm thấy tiếc vì công sức lớn quá. Thành ra, sau một lần đăng bán hồng treo gió mà chị phải khóa luôn dòng thông báo đó lại vì đông khách đặt ăn mà làm không xuể.
Chị Yến cho hay, đây là cách làm hồng trứng của người Đà Lạt và cũng là món ăn nổi tiếng ở xứ sở này. Do nguồn cung không nhiều nên chị Yến đã chia sẻ cách làm hồng còn xanh ương, chưa chín của miền Bắc.
"Đối với hồng treo gió thì hồng nào cũng có thể làm được chứ không riêng gì hồng trứng Đà Lạt. Tuy nhiên, để món này có hương vị ngọt sắc, thơm và giữ nguyên vị thì chỉ có hồng trứng và hồng vuông vùng Đơn Dương, Đà Lạt vẫn là "đỉnh" nhất"- chị Yến cho biết.
Để làm món hồng còn xanh ương ở miền Bắc, chị Yến cho hay, chỉ cần chọn hồng xanh, hơi vàng, quả còn cứng đanh. Tất cả cho vào 1 túi nilon buộc kín chừng 4-5 hôm. Sau đó gọt thăm thử một góc quả hồng. Nếu vị hết chát và giòn ngọt là bỏ ra khỏi túi ăn được.
Còn hồng đã chín vàng sậm, chuyển đỏ thì chỉ có còn cách cứ thế để cho chín hẳn, nắn quả nào thật mềm thì ăn như ăn hồng đỏ của miền Bắc.
Để tránh hồng bị mốc, hỏng bỏ đi, chị Yến cho biết chọn hồng ương ương, hơi ngả vàng và với gió hanh của mùa thu như hiện nay, hồng sẽ không bị mốc. Tuyệt đối không phơi hồng vào lúc trời mưa.
Cách làm rất kỳ công, nhưng thành phẩm thì vô cùng ngọt ngào
Hồng đã chín gọt vỏ, chừa lại phần tai hồng không khoét, gọt để lấy chỗ treo sau đó rửa sạch. Tiếp đó lấy rượu trắng loại độ mạnh, rót ra một cái bát hay âu to, nhúng ngập quả hồng ngâm trong đó tầm một phút rồi bỏ ra.
Khách hàng cũng nên mua một cuộn chỉ mà thợ xây hay dùng, sau đó quấn vòng quanh tai hồng, thật căng tay, không sợ đứt núm hồng. "Và đây chính là lý do để chúng ta chọn hồng xanh chứ không chọn hồng chín"- chị Yến bật mí bí quyết.
Phơi hồng cũng lắm công phu
Buộc hồng cũng lắm công phu. Chúng ta phải buộc quả nọ cách quả kia tầm 10 cm, một dây chừng 6-7 quả, với quả bé thì buộc chục quả. Sau đó, treo lên chỗ có gió và có nắng, tốt nhất là cao và không bụi bặm.
"Nhà mặt đường mà các bạn phơi không che đậy thì chỉ có hứng bụi. Và nhớ nguyên tắc sáng mang treo tối phải cất vào chứ không phơi sương"- chị Yến cẩn trọng chia sẻ.
Và đẹp, lãng mạn như một bức tranh! Ảnh: Facebook nhân vật
Khi treo lên, bạn sẽ thấy một khung cảnh thơ mộng, đẹp như một bức tranh và giống một bộ phim của Trung Quốc với cuộc sống bình yên của một thôn nữ ngày ngày ra… nắn hồng chín.
Tầm 3-4 ngày sau, quả hồng đã héo hẳn, khi sờ thấy bên ngoài quả hồng dai dai, bên trong mềm mềm. Đây là lúc cần dùng tay "massage" từng quả, nắn bóp nhẹ nhàng. Hôm nào cũng lặp lại hành động này một lần. Nếu trời nắng gió đẹp thì hồng sẽ khô dần, rất đẹp.
"Nếu sợ mốc, hoặc phơi xong thời tiết không ủng hộ, tốt nhất mua lọ cồn y tế rót ra bát. Tối nào cũng nhúng qua hồng vào đó trong 5 ngày đầu tiên. Sau đó khi hồng đã khô se sắt vỏ và tóp đi 2/3 thì không cần nhúng".
Chị Lê Ngọc Yến chia sẻ
"Khi thấy quả hồng đang bằng quả cam mà tóp đi bằng quả chanh bé là gần được rồi. Khi đó, hồng chuyển màu nâu sậm. Nếu hồng tầm 80-100gr/quả thì phơi mất tầm 10-12 ngày là được nếu trời nắng hanh như những ngày qua. Còn nếu mưa ẩm thì phải 15-17 ngày. Với loại hồng bé tầm 50gr thì rất nhanh, mình chỉ phơi 6 - 7 ngày đã đẹp, khô, dẻo lắm rồi"- chị Yến nói.
Một cách để bảo quản nữa, chị Yến cho hay, cho hồng vào túi hút chân không, hoặc buộc thật kín để ngăn mát tủ lạnh sẽ được một tuần, còn nếu muốn bảo quản lâu hơn thì phải để ngăn đá.
"Tầm 7-8kg hồng tươi sẽ được 1kg hồng dẻo. Làm rất lâu, kỳ công. Mà ăn nhoẻn một miếng là hết cả cân được, bảo sao hồng dẻo đắt thế. Nhưng mà ăn rất đã, bõ công làm lắm"- vị đầu bếp khéo tay chia sẻ./.