“Thành cổ Sài Gòn - Mấy vấn đề về triều Nguyễn” là một công trình tập hợp nhiều bài viết của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn đã đăng rải rác trên các tờ Kiến thức ngày nay và Thế giới mới. Đây là một công trình biên khảo về xã hội Việt Nam thời phong kiến, cũng như sự tìm tòi, dựng lại những nét xưa của một thời quá vãng.

Công trình được tác giả chia làm hai phần. Phần thứ nhất: Thành cổ Sài Gòn. Ở phần này, tác giả đi tìm diện mạo của một “Thành cổ Sài Gòn thời Gia Long”, “Thành cổ Sài Gòn những năm đầu thuộc Pháp”, “Thành cổ Sài Gòn thành lập vào năm nào?”... Phần thứ hai: Mấy vấn đề về triều Nguyễn. Ở phần này, tác giả đi sâu tìm hiểu “Một nỗ lực ngoại giao bất thành”, “Cơ cấu hành chánh cấp tỉnh”, “Việc học hành”... Ở mỗi phần, tác giả cố gắng đi sâu tìm hiểu, viện dẫn nhiều nguồn tư liệu quý giá của cả trong và ngoài nước. Sách đã dựng lại một quang cảnh xã hội Việt Nam một thời kỳ có nhiều biến động mà cho đến nay vẫn còn là những câu hỏi lớn của nhiều người. Khi viết về thành cổ Sài Gòn qua các thời kỳ, tác giả đã trình bày một cách có hệ thống, cứ liệu xác đáng nên người đọc đã hình dung được một diện mạo thành cổ Sài Gòn năm xưa: “Thành xây theo hướng kết hợp những yếu tố dịch lý Đông phương với những mô hình kiến trúc của phương Tây (theo kiểu Vauban). Tháng 3 năm 1790, thành được khởi công xây dựng và hoàn thành ba tháng sau đó. Bộ sử Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn đã mô tả thành Sài Gòn năm 1790 như sau: “Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu lệnh cho các quân... Tám cửa thành đều xây bằng đá ong; phía Nam là cửa Càn nguyên và cửa Ly minh, phía Bắc là cửa Khôn hậu và cửa Khảm hiểm, phía Đông là cửa Chấn hanh và cửa Cấn chỉ; phía Tây là cửa Tốn thuận và cửa Đoài duyệt. Ngang dọc có tám đường, Đông sang Tây dài 131 trượng 2 thước, Nam sang Bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dầy 7 trượng 5 thước. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 794 trượng. Ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự...”” (Sđd. Tr.18-19). Đặc biệt, trong quyển sách này, tác giả đã cung cấp cho người đọc một thông tin vô cùng quý giá: đó là ngoài những sứ bộ chính thức sang Pháp do triều đình cử đi, còn có một sứ bộ Việt Nam cũng đã sang Pháp nhưng không được chính sử nhắc đến.
Với tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc, với những cứ liệu đáng tin cậy, công trình này là tư liệu quý giá đối với những ai quan tâm đến văn hóa, lịch sử của nước nhà. Đánh giá về nội dung tập sách, nằm trong lời giới thiệu cho tập sách của nhà nghiên cứu An Chi in ở đầu sách: “(...) Những phần cụ thể trong nội dung quyển sách đã khắc họa cho người đọc một bức tranh đa dạng về công cuộc kiến quốc và trị dân cũng như sinh hoạt trong cung đình của nhà Nguyễn (...) Nó cũng cho người đọc thấy được một cách khá chi tiết về thành cổ Sài Gòn thời Gia Long- nay có lẽ đã thật sự tuyệt tích (...)
Cuối cùng nó cung cấp cho người đọc một số nét về sinh hoạt cũng như việc cai trị của Pháp tại Sài Gòn ở buổi đầu thuộc Pháp...”. (Lời giới thiệu. Tr.5).
Q.T (Theo Báo CT)