(Tổ Quốc) -Sáng 30/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó
Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng.
Trong đó đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các chủ trương; kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết về tổ chức bộ máy và văn bản liên quan nhằm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan cùng cấp trong bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện có hiệu quả hơn nguyên tắc một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; giảm tối đa tình trạng một việc phải qua nhiều cấp xử lý mới quyết định được...
Quốc hội thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy. |
Thứ ba, tổ chức, sắp xếp các cơ quan trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Đối với Chính phủ, tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ…
Đối với chính quyền địa phương, thực hiện từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp. Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện. Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính, xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương. Rà soát lại tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, giảm đầu mối, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.
Thực hiện khoán kinh phí trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên tại cấp xã
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.
Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.
Báo cáo Giám sát cũng đề xuất, khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả.
Thứ tư, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể phù hợp về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động quản lý, quy mô phát triển,... để xác định tổng biên chế của các Bộ, ngành, địa phương, tránh việc áp đặt bình quân đồng loạt.
Thực hiện việc khoán kinh phí chi trả phụ cấp cho số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố gắn với xây dựng mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư.
Tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015 nhưng vẫn phải thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Đồng thời đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Xây dựng tiêu chí làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác, thuyết phục.
Báo cáo giám sát cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước…/.
Thái Linh