(Tổ Quốc) - Tiếp tục phiên thảo luận sáng 5/11 của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng cần quy hoạch nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, công tác quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội cần phải được đặc biệt quan tâm bởi hiện nay, công tác đào tạo nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Bà Quỳnh Thơ cho biết, nghiên cứu ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, chưa tạo được bước đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn, công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực chưa gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Bà Quỳnh Thơ đề nghị, giai đoạn 2021-2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng lãnh thổ ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
"Trong các nội dung quy hoạch, cơ cấu lại, tất cả đều đang tập trung vào các chỉ tiêu, các nội dung về lĩnh vực kinh tế mà dường như chúng ta đang bỏ sót một vấn đề rất quan trọng, là nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế, đó là quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội", bà Thơ nêu ý kiến.
Theo đại biểu, các báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần phải hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế. Để chuyển giao và áp dụng công nghệ 4.0 thúc đẩy quá trình phát triển chuyển đổi số… "Điều đó có nghĩa toàn bộ nền kinh tế cần một lượng rất lớn nguồn nhân lực được đào tạo các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử, kỹ sư nông nghiệp… có chất lượng", bà Thơ nhận định.
Bà Quỳnh Thơ cho rằng, giải pháp cho các nhu cầu đó là cần phải quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được đề ra trong các báo cáo Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương hàng năm. Tuy nhiên, chính sách kế hoạch cân đối, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành lại thiếu hụt, chủ yếu phụ thuộc vào nhân lực tốt nghiệp ngành nộp đơn thi xét tuyển. Đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu, các báo cáo lại tiếp tục đánh giá hạn chế tồn tại là do nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và tiếp tục đề xuất các giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.
Trong khi đó, sinh viên đăng ký các ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên năng lực, sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay tự dự đoán thị trường hiện tại về ngành, lĩnh vực mà chưa dựa trên dự báo cân đối, sắp xếp của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này làm cho diễn biến các sinh viên đăng ký vào ngành học trong từng thời kỳ tại các trường đại học liên tiếp diễn ra theo đô thị hình sin gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nhân lực trong toàn bộ nền kinh tế.
Bà Thơ khẳng định, nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Trong công tác quy hoạch cơ cấu lại vùng kinh tế giai đoạn 2021-2026, để đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực.
Thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, các địa phương bên cạnh thực hiện, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, cần chú động thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Theo đó có chính sách, lộ trình đào tạo, bố trí sắp xếp nguồn nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp một cách có hiệu quả và đúng hướng. Đồng thời, cần có sự tính toán, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực để người học đăng ký vào các ngành thị trường cần, đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm đạt các mục tiêu đề ra.