• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một nét thu Hà Nội

03/09/2008 10:18

(Toquoc)- Những cơn gió nhẹ nhẹ của tháng 8 không đủ sức cuộn tròn cái nắng hè như một đường gấp nằm lại trong chiếc hộp thời gian của ngày hôm qua.

(Toquoc)- Những cơn gió nhẹ nhẹ của tháng 8 không đủ sức cuộn tròn cái nắng hè như một đường gấp nằm lại trong chiếc hộp thời gian của ngày hôm qua.

Gió chỉ đủ làm hẹp lại cái khoảng nắng của một ngày để sáng sớm và chiều tối chầm chậm được len lỏi sự mát lành. Đó là những ngày đầu thu của Hà Nội.


Hàng sấu trên đường Phan Đình Phùng

Không ồn ào trong cái hẹn trước, thu trở lại như cái nhón chân len vào giữa mùa hạ khiến nhiều người không hay. Có lẽ thời tiết của những ngày đầu thu mỏng đến tan loãng. Không giống cái rùng mình lạnh giá của mùa đông, cái lãng đãng của mưa xuân và cái oi nồng của nắng hạ nên có biết bao kẻ đi trong thu mà vẫn không hay, vẫn tự hỏi bao giờ thu về? Thu rõ ràng nhất là khi cuối mùa và sắp đi qua để tất cả cái đẹp ấy bật lên trong hương sắc của: “Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, hay “Hoa sữa rụng bần thần thơm góc phố”… được trải dài trên những con đường và len lỏi trong mọi ngõ ngách của Hà Nội.

Mùa thu có những cơn mưa của tháng ngâu, tháng bão. Những cơn mưa của Hà Nội thật lạ, dường như đường phố bỗng rộng hơn. Ồn ào và đông đúc của một đô thị là thế, tưởng chừng không có gì ngăn nổi, vậy mà mưa lại là một cái cớ trú ngụ của con người để đường phố vắng đi.

Có một ngày thu, sau trận mưa như thế đã làm ngập ngừng biết bao bước chân vội vã của những kẻ yêu Hà Nội, khi họ nhìn thấy sấu chín vàng rơi trên hè phố. Một thoáng bất chợt câu hát của Trần Tiến không hiểu từ đâu bỗng vọng lại: “Để trái sấu chín lăn lăn trên hè” như thêm một hình ảnh nữa của mùa thu được mở ra - mùa sấu chín. Từng quả sấu vàng rụng xuống, nếu lắng tai nghe trong không gian im ắng, có khi nghe rõ cả âm thanh nhuốm đầy tâm trạng. Đó phải chăng là một sự lãng quên, đang mất đi, đang rơi trong âm thầm, trong tĩnh lặng của những ngày xa xôi.

Có một người nghệ sĩ đã từng cảm nhận cái sự rơi rụng ấy bằng một tình yêu đầy vương vấn về Hà Nội của bao nhiêu năm qua: “Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng”. Giờ đây nghe lại bỗng thấy thấm thía một điều, hoá ra những hàng sấu của Hà Nội đã cô đơn rụng quả ngay ở những con phố sầm uất nhất rồi.

Khi mùa hoa sấu đi qua, những chùm quả xanh non, chua giòn kết lại cũng là lúc trẻ con của Hà Nội nghỉ hè. Trẻ con thời ấy, nghỉ hè không có nhiều thứ để chơi như bây giờ nên những chùm sấu xanh non luôn là tâm điểm chú ý của chúng. Những chiếc gậy dài dành cho đứa nào không biết trèo. Đứa nào trèo giỏi thì cũng thường trốn bố mẹ tót lên ngọn, lên cành mà hái khi sấu hãy còn xanh. Thành ra, sấu không còn nhiều để chín cho mùa sau. Đó là những quả được trốn kỹ trong lớp lá xanh, hay ở cành quá xa mà lũ trẻ có nhìn thấy cũng bất lực không thể hái được. Nhưng chúng vẫn nhớ đến chùm quả đó, thỉnh thoảng đi qua còn ngó nghiêng như sự chờ đợi không trốn thoát của món quà để dành.

Mùa sấu chín và rụng xuống, từng tốp trẻ, hay có khi chỉ 2-3 người rủ nhau đi nhặt rồi rửa sạch, chỗ nào dập quá thì cắt bỏ đi, cho vào miệng cắn, cứ suýt xoa cái vị ngọt dịu dịu của sấu. Sấu chín không dóc hạt, thành ra cái phần ngon ngọt nhất lại bị cái hạt nâu bên trong ôm chặt, bao bọc lấy. Điều này chả phiền gì với lũ trẻ răng sún, chúng cứ ngậm mãi trong miệng đến khi vị ngọt tan ra hết. Có đứa vừa ngậm vừa nhằn cho hết mới chịu nhả hột ra… Cứ thế, hoài niệm về những trái sấu của Hà Nội đã gắn bó với biết bao tuổi thơ của con người, để khi xa rồi nó cứ vụt hiện về đầy ngọt ngào và nuối tiếc.

Trẻ con của Hà Nội bây giờ không còn bắt ve, hái sấu… ào mỗi dịp hè nữa. Bởi hè là một khoảng thời gian chúng dành cho những chuyến du lịch xa Hà Nội và một thời khoá biểu dày đặc để chuẩn bị cho năm học tới. Thế nên chúng không thể biết được học trò ngày xưa còn ngắt cả lá sấu non chấm muối ớt. Lá sấu cũng chua, nhưng dịu hơn quả và có vị hơi chan chát. Cho đến hết mùa hoa, những quả sấu non cứ mặc sức mà lớn lên, chẳng ai để ý đến. Nhất là nó lại lẫn vào màu xanh của lá. Chỉ đến khi những trận mưa rào mang theo gió đủ làm hàng sấu rùng mình và nghiêng ngả trút khỏi cái nặng của chùm quả được nuôi giữ suốt cả mùa hè nắng chói chang. Những quả sấu vàng tươi nguyên, hơi meo méo chỉ đủ lăn được một đoạn rồi dừng lại và cứ im lìm nằm đấy mà không có bàn tay hớn hở nào của lũ trẻ nhặt lên. Sấu héo dần, chuyển sang màu nâu nằm lăn lóc trên hè phố rồi bị những vệt bùn của xe cộ bắn lên tung toé, phủ một lớp bùn. Tự nhiên thấy những quả sấu lấm lem mất đi cái gần gũi như thủa nào, đành rằng nó vẫn là trái sấu chín tự nhiên của hàng cây năm xưa ấy.

Thỉnh thoảng dạo bộ trên Hồ Gươm vào mùa sấu chín, bắt gặp bước chân của biết bao người phụ nữ mưu sinh mang theo mẹt sấu được cắt gọt cẩn thận. Sấu được bỏ đi lớp áo vàng đặc thù trong nắng thu, chỉ còn lại màu trắng đùng đục tỉa hình hoa năm cánh, hoa xen kẽ cánh xoáy hoặc tròn như người ta tách cùi bưởi. Ăn những trái sấu như thế không cảm nhận được cái vị chan chát từ lớp vỏ và cả sự níu kéo của cái hạt sấu già màu nâu.

Một người bạn phương Nam hỏi tôi: “Hà Nội đầu thu có gì không?” Tôi bảo: Sấu chín rồi. Chín và rụng lăn lóc trên những hè phố buồn tênh. Những chuỗi hoài niệm của một tuổi thơ đã qua bỗng tràn ngập trong người bạn phương Nam ấy và lan nhanh sang tôi. Chiều nay, đi qua phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… nhìn thấy những trái sấu rụng, tôi bất chợt dừng chân, cúi xuống nhặt vài quả chín như đón nhận món quà của mùa thu. Ngẩng lên, tôi bắt gặp cái nhìn là lạ của người đi đường, trong đó có những đứa trẻ và cả những người lớn tuổi. Có lẽ đó là cái nhìn để họ kịp nhận ra mùa thu chăng?


SONG NGUYỄN

NỔI BẬT TRANG CHỦ