Một ngày với người "kẻ biển"…
(Tổ Quốc) - Người "Kẻ biển" - họ là những người dân sống dọc ven biển ở tỉnh Quảng Bình – nơi có hơn 110km đường bờ biển với nhiều biển bãi ngang, những đôộng cát trải dài nóng bỏng. Những bãi biển hoang sơ chỉ hằn in dấu chân của người "kẻ biển" và đó cũng là nơi nghỉ ngơi của những chiếc "bơ nan, chèo tạm" của người dân sau những lần đạp sóng ra khơi khai thác thuỷ hải sản…
Trước chiến tranh, muốn đến với xã Hải Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) người dân chỉ biết đi bộ vượt qua những đôộng cát trải dài nóng bỏng. Vào mùa đi biển (khoảng từ tháng 3 đến giữa tháng 9 hàng năm), người dân xã Hải Ninh thức dậy từ khoảng 3h sáng để chờ những chiếc bơ nan của gia đình đi biển về, có con cá, con mực… họ vội vàng đưa lên bờ và gánh thật nhanh qua những đôộng cát trải dài dăm bảy cây số để đến chợ bán cho người "kẻ roọng" (người dân vùng làm ruộng).
Nhiều cụ già kể lại rằng, ngày xưa khi đường sá khó khăn, nhiều lúc đi bộ đến chợ cũng đã tầm hơn 9h sáng, bán không hết cá thì họ buộc phải đi vào từng làng để bán dạo. Khi những con cá, con mực được bán hết, người "kẻ biển" chúng tôi lại quay ra chợ để mua gạo, mua những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống gia đình rồi bắt đầu gánh đồ về làng biển…
Đối với người "kẻ biển" mỗi gia đình họ thường sắm cho mình một chiếc bơ nan, ngày trước chèo bằng tay còn bây giờ họ "cải tiến" và gắn động cơ có công suất nhỏ để ra khơi đánh bắt hải sản. Những người đàn ông trụ cột trong gia đình sau khi ngủ dậy bắt đầu lấy đồ ăn, nước uống và ngư cụ rồi bắt đầu tiến ra biển khi mặt trời dần xuống núi.
Cuộc sống của gia đình người "kẻ biển" thường lệch pha nhau, những người đàn ông bước lên bơ nan để ra khơi từ khi trời bắt đầu chập choạng tối và trở về khoảng 2-7h sáng ngày hôm sau. Họ thức trắng đêm trên biển để câu mực, thả lưới và khi bơ nan đầy hải sản thì họ trở về. Họ đưa bơ nan lên bờ rồi về nhà kiếm bát cơm và lăn ra ngủ bù. Còn những người phụ nữ, những người vợ thường thức dậy từ 2-3h sáng để đón thuyền cá. Họ phân loại cá rồi gánh cá lên chợ bán và trở về chuẩn bị cơm nước để chồng con tiếp tục buổi chiều lên thuyền đi đánh cá.
Dẫu khó khăn nhọc nhằn là vậy, nhưng người "kẻ biển" vẫn luôn vui vẻ và dành cho nhau những nụ cười thân thiện. Đâu đó, những ngày giông lốc, mưa gió thì những người đàn ông được ở nhà, họ cùng nhau làm việc nhà hoặc vá lại những mảnh lưới rách để chờ ngày biển lặng lại ra khơi mưu sinh…
Ngày nay, khi đất nước phát triển, những người dân "kẻ biển" được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn. Những con đường liên thôn, liên xã được hình thành, những chiếc xe máy, ô tô nhộn nhịp về với làng biển để chờ mua cá của ngư dân ngày một nhiều. Được bao nhiêu hải sản người "kẻ biển" đánh bắt trong đêm, họ đều thu mua hết và mang lại một đời sống bớt lo toan hơn cho người làng biển.
Ngày nay, người "kẻ biển" đã vượt qua những khó khăn, vượt qua chính mình để vững bước đi lên. Và điều quan trọng hơn cả là đã xuất hiện nhiều triệu phú trên vùng cát trắng...