(Tổ Quốc) - Sáng nay (21/2), tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các đại biểu là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội... của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc.
Một số địa phương không dám mua thiết bị y tế dù đã có quy định cụ thể
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nổ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn nổi bật và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nước trong năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.
Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Trong đó, điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á.
"Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nghị quyết rất cụ thể về mua sắm công, nhất là trong lĩnh vực mua sắm thuốc, kit test, vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt, tại sao lại có một số địa phương khác lại không mua sắm được, tình hình "4 tại chỗ" cũng rất hạn chế. Quốc hội cho phép mua đặc thù, đặc cách, Chính phủ cũng quy định rất cụ thể nhưng một số địa phương không dám mua và ngược lại không ít địa phương mua lại có sai phạm.
Tuy nhiên, sai phạm đó được phát hiện qua điều tra, qua các cơ quan chức năng chứ vai trò giám sát tại chỗ của HĐND cần phải rà soát lại và rút kinh nghiệm cụ thể. Những việc như vậy tại sao cơ quan dân cử, giám sát thường xuyên không biết, đấy là điều cần phải hết sức suy nghĩ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình
Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại luật tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
"UBTV Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật; công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến./.
22 bí thư tỉnh ủy làm chủ tịch HĐND tỉnh
Trước đó, trình bày báo cáo tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ.
Bên cạnh đó, kỳ họp còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Kết quả cho thấy HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND (gồm 63 chủ tịch, 114 phó chủ tịch).
Cụ thể, trong 63 chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, 34 chủ tịch HĐND là phó bí thư tỉnh, thành ủy (gồm 2 ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng); 7 nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh, thành ủy, trong đó có một ủy viên Trung ương dự khuyết; 9 chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và 54 người hoạt động kiêm nhiệm.
Hiện còn 3 tỉnh thiếu một phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang).
Trong định hướng phương hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, theo bà Nguyễn Thị Thanh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động.
Trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, UBMTTQVN tỉnh. Công tác tiếp xúc cử tri, theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc "đại cử tri".