• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Văn hoá 12/05/2020 14:43

(Tổ Quốc) - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một loại hình bảo tàng-lưu niệm về danh nhân. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc những năm tháng cuối cùng của cuộc đời (1954-1969), mỗi điểm di tích đều ghi dấu những sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy di sản lịch sử, văn hóa quý giá này luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Ảnh 1.

Nhà sàn Bác Hồ

Thực tế cho thấy từ khi mở cửa đón tiếp khách tham quan đến nay, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7-11-2006, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 và gần đây nhất là Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thì nơi đây đã và đang trở thành một "trường học thực tiễn", một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, phong cách theo tấm gương Hồ Chí Minh vĩ đại. Có được số lượng khách tham quan lớn như vậy trong những năm qua Khu di tích đã không ngừng đổi mới, đa dạng các hoạt động, đặc biệt là công tác tuyên truyền giáo dục đã có những bước tiến mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đáp ứng được nhu cầu của công chúng tham quan. Nhất là trong giai đoạn hiện nay việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang ngày càng được quan tâm trong mọi tầng lớp nhân dân, thì chính công tác tuyên truyền, giáo dục tại Khu di tích sẽ đem đến cho quần chúng nhất là những đối tượng khách tham quan sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc về những giá trị to lớn ẩn chứa trong mỗi tài liệu, hiện vật và di tích đồng thời góp phần giáo dục tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng với những yêu cầu mới đặt ra, công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá, xã hội hoá các hình thức tuyên truyền giáo dục, đồng thời phải nâng cao chất lượng phục vụ đối với các đối tượng khách tham quan bằng một số giải pháp sau:

* Tuyên truyền giáo dục thông qua hoạt động hướng dẫn trực tiếp khách tham quan tại điểm di tích

Đối với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hướng dẫn thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan là hình thức truyền thống và chủ đạo trong công tác tuyên truyền giáo dục phát huy các giá trị di tích, hình thức này được tiến hành từ sau ngày Bác đi xa và xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của Khu di tích. Hướng dẫn thuyết minh trực tiếp không những giúp cho các đối tượng khách tham quan được tận mắt nhìn thấy những di tích, những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với một phần cuộc đời của Bác mà họ còn được nghe các cán bộ tuyên truyền "cung cấp" những thông tin ẩn chứa trong từng tài liệu hiện vật của Bác để lại.

Những tài liệu, hiện vật thông qua những lời diễn giải, những câu chuyện kể xúc động của cán bộ thuyết minh sẽ giúp cho khách tham quan lĩnh hội, thu nhận những thông tin, từ đó giúp họ hiểu sâu hơn về cuộc sống đời thường hết sức giản dị, khiêm tốn cũng như những tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua những lời thuyết minh của cán bộ tuyên truyền cùng với trực quan sinh động quan sát trực tiếp tại di tích cùng cảnh quan môi trường xung quanh, các tài liệu, hiện vật gần gũi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại đây là những vật chứng trung thực nhất có tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, có sức giáo dục và cảm hoá sâu sắc từ đó giúp họ định hướng hành động và nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị góp phần củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn. Như vậy, bản chất sâu xa của công tác thuyết minh là thông qua lời kể của cán bộ tuyên truyền để công chúng tham quan hiểu rõ hơn về giá trị di tích, đồng thời giúp cho họ rút ra những bài học cho chính bản thân mình thông qua cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi đây.

Để hình thức tuyên truyền này thật sự đạt được hiệu quả cao đòi hỏi mỗi cán bộ tuyên truyền phải nắm vững về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử dân tộc, nhất là nội dung lịch sử, những câu chuyện liên quan đến di tích, tài liệu, hiện vật của Khu di tích.

Bên cạnh đó để làm tốt công tác này đòi hỏi các cán bộ cần phải tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thêm những nguồn tư liệu mới, sưu tầm những câu chuyện kể, hồi ký của những nhân chứng đặc biệt là những người đã từng phục vụ Bác Hồ, sự kiện ý nghĩa có liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở và làm việc tại đây. Trong những năm gần đây, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao, trình độ hiểu biết của khách tham quan vì thế cũng cao hơn trước. Vì vây, cán bộ làm công tác tuyên truyền bên cạnh việc thường xuyên nâng cao trình độ về mọi mặt trên tất cả lĩnh vực khác nhau cần xây dựng cho mình những bài nói phù hợp với từng đối tượng, các cấp, các ngành cũng như yêu cầu của khách tham quan nhằm phát huy cao nhất những giá trị về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nắm bắt được những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề đang được xã hội quan tâm để đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan.

Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa, ngoại ngữ, giao tiếp, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng hướng dẫn cho các thuyết minh viên ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đồng thời tổ chức những buổi nghe nói chuyện chuyên đề, nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế để cập nhật thông tin, truyền tải đến khách tham quan, đặc biệt vào những ngày lễ lớn của dân tộc.

Trên thực tế, khi khách tham quan trong nước hay quốc tế đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch rất đa dạng và phong phú. Việc tuyên truyền giáo dục không chỉ được tiến hành bởi các cán bộ tại Khu di tích mà còn đến từ các tổ chức, công ty lữ hành ở khắp nơi. Từ đó dẫn đến việc thông tin được đưa đến khách tham quan bằng nhiều nguồn khác nhau, không có sự thống nhất, thậm chí cùng một điểm di tích nhưng thông tin lại khác, không chính xác, thậm chí còn sai lệch, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, phát huy giá trị của các điểm di tích. Vì vậy, trong thời gian tới Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, tổ chức các cuộc thi hướng dẫn viên tại điểm nhằm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức không chỉ cho các hướng dẫn viên của các công ty du lịch, mà còn cho những sinh viên của các trường có ngành nghề liên quan như du lịch, lịch sử...

Khu di tích tại Phủ Chủ tịch hàng năm đón một lượng lớn khách quốc tế đến tham quan để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của một con người được cả thế giới ngưỡng mộ. Vì vậy, với việc hướng dẫn tham quan cho khách nước ngoài bên cạnh kiến thức về chuyên môn cần phải giỏi ngoại ngữ, có như vậy mới chuyển tải thông điệp một cách chính xác, đầy đủ thông tin cho khách quốc tế mà không cần qua phiên dịch.

*Tăng cường các cuộc trưng bày, triển lãm tại Khu di tích cũng như triển lãm lưu động tại các địa phương trong nước cũng như nước ngoài trong thời gian tới

Trong những năm qua Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tổ chức rất nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề nhằm tuyên truyền về Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới công chúng tham quan trong và ngoài nước: Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 23/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua yêu nước. Đồng thời, tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước" trong tháng 6/2018; Ngày 28/8/2019, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cùng ba cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức triển lãm "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế". Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 74 năm Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2019); 50 năm ngày Bác đi xa và thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019). Triển lãm là một hoạt động hết sức thiết thực và có ý nghĩa nhằm nghiên cứu, tìm hiểu, lưu giữ và lan tỏa di sản Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và tôn vinh những di sản vĩ đại của Người. Đồng thời, Triển lãm nhằm tri ân công lao và đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bên cạnh đó cơ quan còn phối hợp với các địa phương để tổ chức triển lãm phục vụ khách tham quan ở khắp cả nước: Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương lên thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc (7-5-1959 - 7-5-2019) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức triển lãm "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La" nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, củng cố niềm tin và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Ngày 23-9-2018, kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Lào Cai. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lào Cai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai tổ chức triển lãm "Bác Hồ với Lào Cai, Lào Cai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Bên cạnh đó triển lãm còn trưng bày, giới thiệu những ấn phẩm do Khu di tích xuất bản nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa về tư tưởng, tấm gương, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động tặng sách tuyên truyền cho các đơn vị, trường học tiêu biểu trong tỉnh. Cùng với đó là các triển lãm được tổ chức ở các địa phương khác trong cả nước như Cao Bằng, Thái Nguyên, Kim Liên, Côn Đảo, Cà Mau...

Đặc biệt, Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2018) và kỷ niệm 95 năm lần đầu tiên người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến đất Nga (1923 - 2018), được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ngày 17/5/2018, tại Thủ đô Matxcơva, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Trung tâm Triển lãm ảnh của Hội Nhà báo Nga, Quỹ Hoà bình Nga, Hội Cựu Chiến binh Nga từng chiến đấu tại Việt Nam và Hội hữu nghị Nga - Việt, tổ chức triển lãm "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga"; Ngày 31/3/2019, Triển lãm tài liệu lưu trữ "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hoá" đã chính thức khai mạc tại trụ sở chính của UNESCO (Paris, Pháp). Đây là lần đầu tiên gần 100 tài liệu, hình ảnh lưu trữ tiêu biểu được lựa chọn từ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và các cơ quan lưu trữ như: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Lưu trữ Liên bang Nga, Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ,.. được đưa ra trưng bày, giới thiệu nhằm khắc họa lại hình ảnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa đã được UNESCO vinh danh; Gần đây nhất là Ngày 15/6/2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm phong trào Việt kiều yêu nước và Hội người Việt Nam tại Pháp, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp tổ chức Triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội người Việt Nam tại Pháp" tại hội trường Maison de la Mutualité Paris 5...

*Tăng cường tuyên truyền giáo dục qua phương tiện thông tin đại chúng

Trong thời kỳ cách mạng 4.0, công nghệ số hiện nay thì Truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách giới thiệu, tờ rơi... là một trong những cách quảng bá, giới thiệu nhanh nhất, tiện lợi nhất, tới đông đảo công chúng mà không bị giới hạn về không gian lại có đối tượng và phạm vi rộng. Hiện nay, Khu di tích đã xây dựng một chương trình giới thiệu về Khu Di tích trên mạng internet (Website) để khách trong nước và quốc tế có thể hiểu sâu hơn về Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Bên cạnh đó cần phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh... xây dựng các chương trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh,về Khu di tích, về sinh hoạt đời thường của Bác. Trong những năm qua, đã có rất nhiều chương trình tìm hiểu về Khu Di tích, về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn lịch sử 1954-1969, được các Đài phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế lựa chọn để đưa tin vào các dịp kỷ niệm lớn như các chương trình Hành trình theo chân Bác, Bài ca kết đoàn, Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 50 năm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhiều chương trình giao lưu nhân chứng có sức lan tỏa trong xã hội như: "Cuộc gặp gỡ những thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa được gặp Bác Hồ"; "Những người phục vụ Bác Hồ vào những giờ phút cuối cùng"; "Tháng năm và những hồi ức về Bác kính yêu"; "Những nhạc sĩ với những ca khúc viết về Bác Hồ"; "Những tấm gương bình dị mà cao quý"...

Đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, công bố tư liệu hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các buổi toạ đàm (Một số cuộc tọa đàm trong thời gian qua đã được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ công chúng như Tọa đàm khoa học "Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình" ; Tọa đàm khoa học: "Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch"), hội thảo, triển lãm chuyên đề, hội nghị khoa học với quy mô lớn, chất lượng cao hơn, nhằm thu hút các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước.

* Đa dạng hoác các hình thức tuyên truyền giáo dục khác

Tăng cường và đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá và đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền giáo dục như: tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức nhiều buổi sinh hoạt truyền thống: báo công, kết nạp đội, kết nạp đoàn, kết nạp đảng, gặp mặt các thế hệ cựu chiến binh, thanh niên xung phong, tổ chức trại hè cho các cháu thiếu nhi, các buổi lễ phát động thi đua...; các buổi gặp mặt những người đã từng phục vụ Bác Hồ để nghe nói chuyện và khai thác, sưu tầm thêm các nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục... Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất, sáng tạo các hình thức, nội dung tổ chức để thu hút nhiều đơn vị, tổ chức tham gia và tổ chức các sự kiện tại Khu di tích.

Chủ động phối hợp với các trường học để xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp nhằm thu hút một lượng khách tiềm năng đến Khu di tích, để nơi đây trở thành trường học thực tiễn, sinh động cho học sinh, sinh viên các trường. Bên cạnh đó có thể cử các cán bộ đến các trường để nói chuyện chuyên đề như Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng, Bác Hồ với học sinh sinh viên... có thể kể đến một số công việc mà Khu di tích đã làm trong thời gian qua như Tọa đàm khoa học "Nâng cao chất lượng tuyên truyền tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho SV các trường ĐH, CĐ và THCN tại Khu di tích Phủ Chủ tịch"; toạ đàm khoa học "Giá trị thực tiễn của Khu di tích Hồ Chí Minh đối với công tác giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh tại các học viện và nhà trường".

Đa dạng các sản phẩm du lịch, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, độc đáo hấp dẫn, thu hút khách tham quan khi đến tham quan Khu di tích.

Trên đây là một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền giáo dục tại Khu di tích trong thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa những di sản mà Người đã để lại nơi đây, góp phần tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ cho nhân dân trong nước mà bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Bùi Thế Đông - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

NỔI BẬT TRANG CHỦ