• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một thoáng Phnom Penh

Du lịch 06/10/2012 11:43

(Toquoc)–Từng được biết đến là viên ngọc của châu Á, một trong những thành phố đẹp nhất do người Pháp xây dựng, rồi bị suy tàn dưới thời Khmer Đỏ, ngày nay, thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang ngày một phát triển thịnh vượng, hòa vào dòng chảy của thời đại.

(Toquoc)–Từng được biết đến là viên ngọc của châu Á, một trong những thành phố đẹp nhất do người Pháp xây dựng, rồi bị suy tàn dưới thời Khmer Đỏ, ngày nay, thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang ngày một phát triển thịnh vượng, hòa vào dòng chảy của thời đại.

Những biến cố trong quá khứ của Phnom Penh khiến cho thành phố này có một sức cuốn hút kỳ lạ với du khách. Tuy nhiên, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trên mảnh đất từng thấm đẫm những nỗi đau và sự mất mát của người dân Campuchia, hàng trăm chú chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình đã có thể tung cánh trên bầu trời xanh.  

Tên gọi bắt nguồn từ truyền thuyết

Theo truyền thuyết, vào năm 1372, một người phụ nữ tên là Penh đi lấy nước ở sông Mekong và phát hiện ra một cây bồ đề dập dềnh trên dòng nước. Bên trong thân cây rỗng có bốn bức tượng Phật bằng đồng và một bức tượng Phật bằng đá (có văn bản nói chỉ có 4 bức tượng Phật bằng gỗ). Sau đó bà kêu gọi dân chúng đắp một quả đồi nhỏ (trong tiếng Khmer, Phnom có nghĩa là đồi) rồi lấy thân cây bồ đề để xây dựng trên đó một ngôi chùa nhỏ (Wat) để thờ 5 pho tượng Phật này. Từ đó, ngôi chùa này có tên là Wat Phnom Penh (Chùa bà Penh xây trên đồi) và mảnh đất đó được lấy theo tên chùa, ngày nay chính là thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

 

Chùa Wat Phnom Penh



Từng được coi là viên ngọc của châu Á

Phnom Penh được xây dựng vào năm 1434 và nổi tiếng vì những công trình kiến trúc cổ kính đầy tính thẩm mỹ. Tọa lạc ở nơi giao cắt của 3 con sông là Mekong, Tonle Sap và Bassac, Phnom Penh trở thành thủ đô của Campuchia từ khi Pháp sang xâm chiếm quốc gia này. Phnom Penh còn được biết đến với tên gọi là Viên ngọc châu Á vì là một trong những thành phố xinh đẹp nhất do người Pháp xây dựng ở khu vực Đông Dương vào những năm 20 của thế kỷ trước.



Vẻ đẹp của Phnom Penh được lấy cảm hứng từ kinh đô Ánh sáng Paris, từ những công viên xanh được cắt tỉa, chăm sóc cầu kỳ, cho tới những đại lộ thênh thang đẹp mê hồn với những ngôi biệt thự xinh đẹp hai bên đường. Ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy những công trình do người Pháp xây dựng có giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử cao như Bưu điện Phnom Penh, Thư viện quốc gia, Khách sạn Le Royal, nhà hàng Romdeng. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là theo các kiến trúc sư và nhà sử học ở đây, có tới 40% các tòa nhà do người Pháp xây dựng ở Phnom Penh sống sót qua nhiều thập kỷ chiến tranh cũng như chế độ Khmer Đỏ lại bị phá hủy dần trong 20 năm qua do công cuộc phát triển kinh tế của thủ đô.

Thời kỳ đen tối và mất mát

Từ một Viên ngọc châu Á, thủ đô của đất nước Campuchia mà cách đó nhiều thế kỷ từng là một trong những nền văn minh lớn nhất của nhân loại, Phnom Penh lại trở thành thành phố chết chóc trong những năm 70 của thế kỷ trước dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ Khơ-me Đỏ, đứng đầu là Pol Pot.

 

Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng (Ảnh: Nguyễn Hương)



Tất cả những người trí thức bị coi là kẻ thù của xã hội. Họ bị đày về nông thôn, lao động cưỡng bức trong các trại tập trung. Những người chống đối bị đưa đến một nhà tù – trước đây từng là trường cấp 3 ở Phnom Penh để xét hỏi và tra tấn dã man. Sau khi bị cưỡng ép khai ra người thân, bạn bè, họ bị đưa đến cánh đồng chết để hành quyết. Ước tính có khoảng 2 triệu người dân Campuchia vô tội đã thiệt mạng dưới thời Khmer Đỏ do đói kém, bệnh tật hoặc bị tra tấn, hành quyết. Riêng dân số ở thủ đô Phnom Penh đã giảm từ 1,2 triệu người vào năm 1971 xuống chỉ còn vài trăm ngàn người sau khi chế độ Khmer Đỏ bị sụp đổ.

Phnom Penh của ngày hôm nay

Thủ đô Phnom Penh là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất, đông dân nhất và giàu có nhất ở Campuchia. Ngày nay, Phnom Penh đã trở thành một trung tâm về kinh tế, chính trị, an ninh, và văn hóa của Campuchia.

Thành phố Phnom Penh rực rỡ về đêm



Cùng với Siem Riep và Sihanoukville, Phnom Penh tạo thành 3 điểm đến nổi tiếng nhất của Campuchia đối với các du khách trong và ngoài nước, góp một phần quan trọng trong việc phát triển ngành nghề du lịch ở Campuchia. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, vào năm 2009, du lịch chiếm tới 17,5% (tương đương 2,053 triệu đô la Mỹ) trong Tổng thu nhập quốc nội của quốc gia này.

Những điểm đến không thể bỏ qua

- Chùa Wat Phnom: Chính là ngôi chùa gắn với truyền thuyết về nguồn gốc tên gọi của thủ đô Phnom Penh. Nằm ở cuối đường Norodom, chỗ đoạn giao nhau với phố 96. Giá vé vào thăm đối với du khách nước ngoài là 1 đô la/giờ. Ngôi chùa được xây dựng lại lần cuối cùng vào năm 1926 và còn lưu giữ những dấu tích của vua Ponhea Yat (1405-1467) – người đã chuyển kinh đô của đế chế Khmer từ Angkor tới Phnom Penh vào đầu thế kỷ 15.

- Bảo tàng quốc gia Campuchia: Đây là bảo tàng lịch sử và văn hóa lớn nhất ở Campuchia, là bảo tàng khảo cổ và lịch sử hàng đầu của cả nước. Bảo tàng này là nơi trưng bày một trong những bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật Khmer lớn nhất trên thế giới, từ điêu khắc, đến gốm sứ, đồng…với hơn 14.000 hiện vật. Các tòa nhà trong bảo tàng đều được xây dựng theo kiến trúc Khmer truyền thống trong khoảng thời gian từ năm 1917 đến năm 1924.

- Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng: Đây từng là một ngôi trường trung học, sau đó bị chế độ Khmer Đỏ biến thành nhà tù 21, còn gọi là S-21 trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1979. Nhà tù S21 đã giam giữ khoảng 17.000 người dân, chủ yếu là người Campuchia, với những biện pháp tra tấn hết sức tàn ác và sau khi bị tù đày, chỉ còn khoảng 7 người sống sót. Chính vì thế, S21 còn được gọi là nơi “Chỉ có đến, không có về”. Hiện nay, nơi đây đã được xây dựng thành Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, là một nơi lưu giữ những bằng chứng về sự dã man, vô lý và vô nhân tính của chế độ Khmer Đỏ, cũng như là lời nhắc nhở đối với toàn nhân loại phải cùng nhau đoàn kết, xây dựng hòa bình, vun đắp cho một cuộc sống thịnh vượng trên thế giới. Du khách cũng có thể thắp hương và cầu nguyện cho linh hồn của những nạn nhân xấu số.

Cung điện Hoàng gia Campuchia (Ảnh: Nguyễn Hương)



- Cung điện Hoàng gia Campuchia:
Được xây dựng sau khi Vua Norodom dời đô từ Oudong tới Phnom Penh vào giữa thế kỷ 19. Nằm giữa đoạn giao nhau giữa sông Tonle Sap và sông Mekong, cung điện này được chia ra làm 3 khu vực: về phía Bắc là Wat Preah Morakat, còn gọi là Chùa Bạc, với hơn 5000 miếng bạc được lát trên nền nhà. Ngôi chùa có chức năng văn hoá và lưu giữ bảo vật tôn giáo hơn là chức năng thờ cúng, chứa đựng nhiều vật báu quý giá của Campuchia như tượng Phật bằng vàng gắn kim cương, tượng Phật bằng ngọc lục bảo, v.v. Về phía Nam của hoàng cung là cung điện Khemarin – nơi sinh sống của Hoàng gia (du khách không được phép vào thăm), và phần giữa là Điện Khánh Tiết, trước kia là nơi nhà vua thiết triều, còn giờ đây là nơi nhà vua tiếp khách cũng như cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia.

- Công viên trước cung điện Hoàng gia: Là một khu vực vui chơi khá phổ biến với khách du lịch cũng như người dân của thủ đô Phnom Penh. Ở không gian rộng rãi, thoáng đãng này, bạn có thể chơi đùa với hàng trăm chú chim bồ câu tung cánh trên bầu trời xanh. Dường như không ở một nơi nào khác trên thế giới, hình ảnh của những chú chim hòa bình này lại có ý nghĩa sâu sắc đến thế. Những chú chim này khá dạn người. Muốn chúng đến gần, bạn có thể mua ngô từ những em bé bán rong quanh đó và những chú chim háu ăn sẽ ào ào bay đến.





Đến với công viên trước Cung điện Hoàng gia Campuchia, bạn có thể chơi đùa với hàng trăm chú chim bồ câu (Ảnh: Nguyễn Hương)



- Phsar Thmey, còn gọi là chợ trung tâm: Chợ được thiết kế theo một kiểu kiến trúc rất độc đáo và cũng là một trong những điểm thu hút du lịch nhất ở thủ đô Phnom Penh. Chợ có 4 mặt cùng hội tụ ở một điểm, tượng trưng cho bốn nhánh của sông Mekong. Trước năm 1935, khu vực chợ này là một vùng hồ và đầm lầy, nơi tập trung nước trong mùa mưa. Sau đó vùng hồ được hút cạn nước và chợ được xây dựng trong khoảng từ năm 1935 – 1937. Chợ bán nhiều loại mặt hàng, từ các loại đá quý đến đồ trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, sách, bản đồ…

Ngoài ra, bạn cũng có thể tới thăm một số địa điểm gần thủ đô Phnom Penh cũng khá hấp dẫn như:

-Đền Phnom Chisor: được xây dưới thời vua Suryavarman I, trong giai đoạn đế chế Khmer gần đạt đến thời kỳ cực thịnh. Cũng giống như hầu hết các ngôi đền Angkor của thời kỳ này, đây là ngôi đền Ấn Độ giáo, thờ thần Shiva và thần Visnu. Ngôi đền nằm trên đỉnh đồi và bạn phải leo qua 503 bậc đá mới tới được ngôi đền. Tuy nhiên mỗi một hành trình đều có giá trị riêng của nó. Khi được ngắm quang cảnh tuyệt đẹp từ trên cao, bạn sẽ không phải thất vọng. Ngôi đền cách thủ đô Phnom Penh khoảng 45km.

- Oudong: cách Phnom Penh khoảng một giờ đi xe về phía Tây là những ngọn đồi thuộc về một cố đô đã bị bỏ hoang của Campuchia, Oudong. Oudong từng là kinh đô của Campuchia từ đầu thế kỷ 17 cho đến năm 1886, khi thủ đô được chính thức chuyển về Phnom Penh. Ở đây có một vài ngôi đền, tháp cũng như các kiến trúc khác. Có kiến trúc cổ nhất đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 13. Con đường dẫn lên các ngọn đồi này cũng rất đẹp và nên thơ.

- Đảo Lụa: Với những người yêu thích vải lụa Campuchia và muốn tìm hiểu về nó, hãy dành ra nửa ngày với một chuyến đi tới một hòn đảo giữa dòng sông Mekong, cũng là một ngôi làng có nghề dệt vải tên là Koh Dach (còn gọi là Đảo Lụa). Đây là một ngôi làng nông thôn đậm chất truyền thống của Campuchia, nơi người dân vẫn còn giữ được cách dệt vải bằng tay, với những tay quay hình tròn được làm từ bánh xe đạp. Bạn có thể thuê riêng một chiếc thuyền để tới đây với giá từ 10 đến 15 đô la/giờ. Thông thường mỗi chuyến đi từ Phnom Penh tới đây mất khoảng một giờ đi.

Phan Anh (Từ Campuchia)

NỔI BẬT TRANG CHỦ