(Tổ Quốc) - Nói đến nhà thơ Thanh Tùng là những hình ảnh phượng cháy rực đỏ lại hiện về. Không biết có phải định mệnh mà sau 10 năm bài viết về nhà thơ Thanh Tùng do cố nhà thơ Mai Linh viết vào một ngày cuối năm âm lịch, đăng lên báo Tổ Quốc (ngày 06/02/2007), thì thời hoa đỏ cũng rời xa nhân thế, về miền cực lạc để gặp bạn xưa.
Vậy là giờ không phải là 35 năm nữa mà đã thành 45 năm, cả hai nhà thơ đều không còn trên cõi đời. Chúng tôi xin đăng lại bài viết của nhà thơ Mai Linh viết về nhà thơ Thanh Tùng như một nén nhang tưởng nhớ đến những nhà thơ đáng kính, những người bạn thân thiết của báo Điện tử Tổ Quốc một thời.
Nhà thơ Thanh Tùng (ảnh fb Nguyễn Trọng Tạo) |
Mai Linh
Thế là xấp xỉ 35 năm tôi mới gặp lại Thanh Tùng trong một chiều Xuân. Tôi gặp ông lần đầu lúc tôi sắp sang 14 tuổi. Tôi nhớ hồi đó Thanh Tùng to khoẻ, giọng oang oang, nội lực hùng hậu, gương mặt đẹp, đa tình. Ông hớt hải gõ cửa ngôi nhà 48 Lý Thường Kiệt(Thanh Hoá) nhà tôi như muốn báo một tin dữ. Bố tôi là người gặp ông đầu tiên và quá mừng vui vì gặp được bạn thơ, bạn cũ.
Hồi ấy, đi từ Hải Phòng về Thanh Hoá quá bằng đi từ Việt Nam sang Mỹ nên không thể không tay bắt mặt mừng. Thanh Tùng không kịp ngồi xuống ghế mà hổn hển nói trong sung sướng “Ông ơi, tôi vào đây để báo cho ông một tin động trời là…là…là bài thơ “Thời hoa đỏ” của tôi in rồi. In trên Văn nghệ Quân đội hẳn hoi nhé. Đây ông xem:
Thời hoa đỏ
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên
Em mải mê về một màu mây xa
Về một cánh buồm bay qua ô cửa
Về cái vẻ thần kỳ ngày xưa
Em hát một câu thơ ngày cũ
Cái say mê của một thời thiếu nữ
Mời mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày qua ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu vào mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu hát của em anh không có mặt
Câu thơ về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.
26-3-1973
Bố tôi ôm lấy Thanh Tùng, không cầm được nước mắt. “Ai mà ngờ được Thanh Tùng ạ. Chúng ta đã có một “Thời hoa đỏ” ngay trong chiến tranh, giữa kỳ ác liệt”.
Đó là những ngày tháng khốc liệt của chiến dịch Quảng Trị - 1972. Ôi “Thời hoa đỏ” bừng nở, chào đời ngay trong máu xương của thời lửa đỏ. Đó là “Hoa của nỗi đau”, tiếng dịu dàng nhưng thét gọi của tình yêu trong dằng dặc những hy sinh của cuộc chiến giành lại Tổ quốc.
Rồi sau sự chào đời của “Thời hoa đỏ” là những ngày tháng kém may mắn của Thanh Tùng. Người bốc vác cần lao ấy lại lao lực với hoàng hôn và còi tàu bến cảng, è vai kiếm sống qua ngày.
Tôi yêu “Thời hoa đỏ” từ khi đọc ê a những chia ly rụng rời đầu tiên, rồi buồn và tươi sáng đến thanh xuân. Cả lớp chuyên Lam Sơn yêu những vần thơ cháy bỏng ấy và coi tôi là người vinh dự khi được gặp Thanh Tùng.
Tôi mang trong tim mình những dòng thơ Thanh Tùng đi lính, vào Quảng Trị- Đông Hà, sang chiến trường K, về Huế, qua Hải Vân vào Đà Nẵng, ngược chiến trường biên giới phía Bắc trong những ngày rét căm căm năm 79. Đó là “vệt đỏ, vết xước của trái tim”.
Hôm nay, ngồi trước mặt “Thời hoa đỏ”, “Thời hoa đỏ” tóc đã bạc trắng, vẫn đẹp trai, cá tính, yêng hùng, kể về lịch sử “Thời hoa đỏ” như nhói đau huyền nhớ về những kỷ niệm da diết của mối tình đầu.
Tôi cũng đã già. “Thời hoa đỏ” đã trôi qua trên những cành phượng vĩ. Hình như vẫn tiếc những cái gì đã mất, kể cả những điều mình không có. Vẫn nhớ một mối tình xa lắm, có thể đã cuối chân trời...
Hôm nay, chiều Xuân, gặp Thanh Tùng, lòng nhói lại vết thương của chiến tranh, một cuộc chiến bi hùng như vừa mới xảy ra, những mất mát như vừa mới xảy ra, những chia lìa như vừa mới xảy ra, tươi nguyên, rỉ máu của “Thời hoa đỏ”.
Không biết chiến tranh có lỗi với Thanh Tùng hay Thanh Tùng có lỗi với chiến tranh, nhưng tôi biết chắc rằng tình yêu không bao giờ có lỗi!
Nghĩ lại, dở lại xấp thời gian cũ, đôi lúc ta vẫn tự hỏi: phải chăng chúng ta đến với cờ hoa chiến thắng không phải chỉ bằng lòng quả cảm vô bờ, sự hy sinh vô bến mà còn bằng cả những cuộc chia ly, nuối tiếc như biểu tượng của phẩm giá tình yêu không bao giờ chết.
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng. Ông sinh ngày 07/11/1935 tại Gia Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố Hải Phòng.
Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân, tác giả những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là bài 'Thời hoa đỏ'. Năm 1997, ông được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp đại diện giao lưu, đọc thơ cùng đại biểu các nước khác. Sau khi in chung một số tập thơ, mãi đến năm 2001 nhà thơ Thanh Tùng mới có tập thơ in riêng đầu tiên là 'Thời hoa đỏ', được tái bản năm 2016. Tập thơ này cũng đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, cùng với tuổi cao sức yếu, nhà thơ Thanh Tùng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21g50’ ngày 12/9 tại nhà riêng ở TP.HCM. Ông ra đi nhẹ nhàng thanh thản và bình yên trong vòng tay của người thân con cháu trong gia đình ở tuổi 83.
Lễ viếng nhà thơ Thanh Tùng sẽ được bắt đầu từ sáng 14/9 tại nhà tang lễ TP. Hồ Chí Minh, sau đó linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát Bình Dương theo đúng nguyện vọng của ông lúc sinh thời.