• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá "hấp tấp"?

Thế giới 13/06/2022 07:23

(Tổ Quốc) - Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Đức, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić khẳng định ông vẫn giữ vững lập trường về các lệnh trừng phạt Nga.

Serbia kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, hôm 10/6 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã có cuộc hội đàm nhân chuyến công du 2 ngày tại Tây Balkan của nhà lãnh đạo Đức.

Reuters cho biết Thủ tướng Scholz đã kêu gọi Serbia, một ứng cử viên của Liên minh châu Âu (EU), tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc xung đột Nga-Ukraine, bởi đây là điều mà tất cả các thành viên EU đều thực hiện.

Tuy nhiên, Tổng thống Vučić đã kiên quyết giữ vững lập trường và nói rằng ông không tin các biện pháp trừng phạt "có hiệu quả".

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá hấp tấp? - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić. Ảnh: Andrej Isakovic/AFP/Getty Images

Tổng thống Vučić lí giải rằng Serbia đang ở trong tình thế khó khăn khi có mối quan hệ lâu đời đặc biệt với Nga, và EU nên cân nhắc điều đó.

"Về các lệnh trừng phạt, chúng tôi có lập trường khác [với EU]... Chúng tôi cũng là nước từng bị trừng phạt, và chúng tôi cũng không nghĩ rằng trừng phạt có hiệu quả", nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm.

Trừng phạt than Nga: Ba Lan đã quá hấp tấp?

Đài RT đưa tin, hôm 1/6 vừa qua, ông Pawel Poncyljusz, một thành viên của Liên Minh Công Dân (Civic Coalition) - đảng đối lập chính của ba Lan - đã nhận định với Đài phát thanh Polskie do nhà nước điều hành rằng chính phủ nước này dường như đã quá hấp tấp khi ban hành lệnh cấm vận đối với than Nga.

Theo đó, ông Poncyljusz cho rằng việc cắt giảm nguồn cung đột ngột sẽ khiến người tiêu dùng bị tổn thương.

"Những quyết định cấp tiến như vậy đã được đưa ra quá nhanh chóng, cần có cách tiếp cận bình tĩnh hơn một chút", ông Poncyljusz nói rằng việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng than của Nga là hành động quá quyết liệt đối với một quốc gia đã nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng này từ Nga trong nhiều năm qua.

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá hấp tấp? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo chính trị gia này, chính phủ Ba Lan đang chuyển từ trạng thái nhập khẩu vượt mức trong những năm gần đây sang trạng thái đột ngột cắt giảm nhập khẩu: "Điều này có thể khiến Nga thiệt hại ở một mức độ nào đó, nhưng những người dân Ba Lan sử dụng than sẽ còn thiệt hại lớn hơn nhiều".

Ông Poncyljusz nói rằng chính phủ Ba Lan lẽ ra nên sử dụng "đặc quyền" được tiếp cận các tài liệu về nhập khẩu than và kiểm tra mức độ khai thác trong nước để biết được họ cần bao nhiêu thời gian để bù đắp thiếu hụt trước khi cấm vận nhập khẩu than Nga.

Chính trị gia này ước tính rằng Ba Lan sẽ mất ít nhất một năm rưỡi để tăng sản lượng than của riêng mình lên mức đủ phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Vào cuối tháng 3, Ba Lan đã áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với việc nhập khẩu than từ Nga. Lệnh cấm không chỉ áp dụng đối với các công ty nhà nước mà cả các công ty tư nhân. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu than, và sau đó là thiếu củi.

Đầu tháng này, người dân Ba Lan chính thức được phép khai thác củi trong rừng, nhưng chỉ sau khi họ đã tham gia khóa đào tạo và được các đơn vị lâm nghiệp địa phương cấp phép.

Thuế khí đốt sắp tăng gần gấp đôi ở Latvia

Công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia hôm 10/6 cho biết thuế khí đốt đối với các hộ gia đình Latvia dự kiến sẽ tăng lên đến gần 90%.

Theo đó, đài RT (Nga) trích dẫn nguồn tin của công báo của chính phủ Latvijas Vestnesis cho hay, Latvijas Gaze đang có kế hoạch tăng mức thuế áp dụng cho khí đốt tự nhiên từ 65,6% đến 89,9%, tùy thuộc vào mức tiêu thụ.

Kể từ ngày 1/7, hóa đơn khí đốt cho các hộ gia đình có mức tiêu thụ hàng năm lên đến 250 mét khối sẽ tăng 65,6%, từ 1.10209 euro/mét khối lên 1.8252 euro/mét khối.

Mức thuế đối với những người tiêu thụ lên đến 500 mét khối khí đốt mỗi năm sẽ tăng từ 0,96649 euro/mét khối lên 1,6896 euro/mét khối.

Các hộ gia đình tiêu thụ trên 500 mét khối khí đốt hàng năm sẽ phải chịu mức thuế quan tăng 89,9%, từ 0,80405 euro/mét khối lên 1,52715 euro/mét khối.

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá hấp tấp? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Latvia, Estonia và Litva đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Đây là một phần trong nỗ lực của các nước Baltic nhằm cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Họ cũng đã từ chối tuân thủ yêu cầu thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp của Nga.

Được biết, Latvia nhập khẩu tới 80% khí đốt từ Nga.

Người Đức được cảnh báo về mùa thu-đông khó khăn

Đây là lời cảnh báo vừa được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đưa ra hôm 10/6, do giá cả tăng vọt và Đức đang nỗ lực thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga.

"Chúng ta đang đối mặt với một mùa thu khó khăn và một mùa đông khắc nghiệt", ông Habeck nói.

Phát biểu trên được Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Kinh tế Habeck đưa ra khi ông trình bày về một sáng kiến tiết kiệm năng lượng mới của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức (BMWK).

Berlin đang có kế hoạch thay thế than và dầu của Nga vào cuối năm nay và ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2024, tuy nhiên nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá hấp tấp? - Ảnh 4.

Theo ông Habeck, giá năng lượng đã rất cao và "nhiều người sẽ nhận được hóa đơn cao hơn đáng kể so với bình thường" trong mùa lạnh sắp tới.

"Vì vậy nên tiết kiệm năng lượng là điều cực kỳ cần thiết trong thời điểm hiện tại, và tôi biết có rất nhiều người đã và đang tìm cách tiết kiệm", ông Habeck nói.

Nga đóng cửa không phận, láng giềng thiệt hại hàng triệu USD

Việc Nga đóng cửa không phận đã gây ra thiệt hại không nhỏ đối với các hãng hàng không Phần Lan, đài RT (Nga) ngày 11/6 đưa tin.

Cụ thể, tờ báo Phần Lan Iltalehti dẫn lời ông Matts-Anders Nyberg, Giám đốc cơ quan kiểm soát không lưu nước này, cho biết: "Mỗi tháng, chúng tôi mất khoảng 1,5 triệu euro phí điều hướng do lệnh cấm bay qua không phận Nga".

Hồi cuối tháng 2, Nga đã đóng cửa không phận của mình để trả đũa sau khi một số nước châu Âu bao gồm Phần Lan đã cấm máy bay Nga bay vào không phận của họ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Ông Nyberg cho biết lệnh cấm này đã khiến số lượng các chuyến bay từ Phần Lan và qua Phần Lan đến châu Á và chiều ngược lại đã giảm kể từ cuối tháng 2.

Một ứng cử viên EU kiên quyết chống lại áp lực trừng phạt Nga - Ba Lan đã quá hấp tấp? - Ảnh 5.

Trước đây, nhiều chuyến bay từ Amsterdam và Copenhagen đi qua không phận Phần Lan để đến châu Á, và Phần Lan được hưởng phí điều hướng hàng không. Nhưng giờ đây các chuyến bay này phải bay qua Caucasus và Bắc Cực, thay vì qua Phần Lan.

Các chuyến bay từ châu Á giờ đây kéo dài hơn nhiều. Chẳng hạn một chuyến bay đến Tokyo giờ mất 13 giờ thay vì 9 giờ, và Phần Lan không còn nhận được phí điều hướng hàng không từ các máy bay đến châu Á trước đây đã đi qua không phận nước này.

Ngoài ra, ông Nyberg cũng tiết lộ thêm rằng Nga đã ngừng trả phí cho các chuyến bay qua Vịnh Phần Lan đến Kaliningrad.

Việc Nga đóng cửa không phận cũng gây thiệt hại cho Finnair, hãng hàng không lớn nhất Phần Lan, thậm chí là đe dọa tương lai của hãng hàng không này.

Do khoảng cách từ thủ đô Helsinki của Phần Lan đến các thành phố trọng điểm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản ngắn hơn là từ các thành phố khác của châu Âu, nên Finnair từ lâu đã dựa vào vị trí địa lý thuận lợi này để khai thác các chuyến bay đến châu Á.

Tuy nhiên, hiện Finnair phải bay đường vòng do Nga cấm không phận - và điều này làm giảm đi rất nhiều lợi thế so với các đối thủ của hãng bay này, đặc biệt là các hãng hàng không Trung Quốc vốn vẫn có thể sử dụng không phận Nga. Hơn nữa, do thời gian bay trung bình tăng 40% so với trước đây, Finnair phải tốn thêm chi phí nhiên liệu, nhân sự và điều hướng.

Khoản lỗ hoạt động của Finnair trong nửa đầu năm 2022 đã lên tới con số kỷ lục 133 triệu euro (140 USD), và hãng này buộc phải cắt giảm mạnh nhân sự, đồng thời bắt đầu cho các hãng hàng không khác thuê máy bay có phi hành đoàn để giảm lỗ./.

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ