• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một vài suy nghĩ về tư tưởng Công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn hoá 22/10/2020 11:32

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc, người thầy kính yêu của Đảng và dân tộc ta, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, luôn chăm lo xây dựng, giáo dục và rèn luyện Công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Không chỉ bằng những lời nói, bài viết, lời dạy bảo ân cần mà còn thông qua các hoạt động thực tế của mình, Người đã dành cả tấm lòng thương yêu vô bờ như tình cảm cha con, bác cháu, đồng chí cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Một vài suy nghĩ về tư tưởng Công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963). (Ảnh: Tư liệu - Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng công an, góp phần quan trọng làm nên những chiến công to lớn, lập những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Tên gọi của những tổ chức Công an Việt Nam đầu tiên ở 3 miền là: Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia tự vệ Cuộc Nam Bộ. Tuy tên gọi ban đầu có khác nhau, nhưng đây là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trấn áp các tổ chức phản cách mạng, phản động, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Tiếp đó, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành "Việt Nam Công an Vụ" nằm trong Bộ Nội vụ và cử đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Việt Nam. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NgĐ về tổ chức Việt Nam Công an Vụ, quy định tổ chức bộ máy của Công an có 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh. Trải qua mỗi chặng đường cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam lại được củng cố và phát triển, từng bước trưởng thành và lớn mạnh, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của Công an nhân dân Việt Nam: "Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân"[1]. Đây cũng là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, Người chủ trương xác định: "...công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc"[2]. Sức mạnh to lớn của công an có được là nhờ nhân dân, những chiến công hiển hách của lực lượng Công an nhân dân giành được là do sự đồng tình, ủng hộ, giúp sức của nhân dân. Công an nhân dân mà xa rời dân thì tài mấy cũng không làm gì được. Bởi lẽ, "khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, khi nhân dân giúp đỡ ta ít thì thành công ít, khi nhân dân giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn"[3]. Lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện tại trường Công an Trung cấp khóa 2, năm 1951, luôn được lực lượng Công an nhân dân khắc ghi trong suốt chặng đường từng bước xây dựng và trưởng thành.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là xuất phát từ số lượng đông đảo, to lớn của nhân dân. Người phân tích: "Bác lấy một ví dụ: Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn bay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại"[4]. Lực lượng nhân dân ở khắp mọi nơi, địch không giấu được nhân dân, cái gì nhân dân cũng có thể nghe, có thể biết, có thể thấy; không âm mưu, thủ đoạn, hoạt động nào của địch có thể thoát được sự giám sát của nhân dân. Người khẳng định: "Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân... Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng"[5].

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956, Người nhấn mạnh: "Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc"[6]. Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong thực tiễn cách mạng, tư tưởng này của Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm, hiện thực hóa vào trong quá trình Đảng lãnh đạo công an nhân dân luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo xây dựng, rèn luyện lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vì nhân dân phục vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Giữa bộn bề công việc cấp bách của Đảng, Chính phủ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, quyết liệt, trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII về "Tư cách người Công an cách mệnh", ngày 11/3/1948, Người chỉ rõ những phẩm chất đạo đức và tư cách người Công an cách mạng phải có, đó là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nội dung Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với quá trình công tác, chiến đấu, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an. Dù sáu điều Bác dạy chỉ vèn vẹn 51 chữ nhưng đã bao hàm nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện về công tác công an, nhất là công tác cán bộ, xây dựng lực lượng, quan hệ với dân, củng cố mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Người dành điều đầu tiên để căn dặn cán bộ, chiến sĩ công an: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính", đây là  phẩm chất đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải có, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi "Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó hơn. Vì vậy, phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu được, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi"[7].

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm dạy bảo lực lượng Công an nhân dân. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn dành thời gian đến thăm, động viên và huấn thị để lực lượng công an hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Dự Hội nghị cán bộ công an, ngày 29/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Cho nên nhiệm vụ công an an là cực kỳ quan trọng. Nó phải giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà"[8]. Người nhắc nhở cán bộ chiến sĩ công an: "Phải ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác đối với kẻ thù của nhân dân, tích cực phòng và chống gián điệp biệt kích. Muốn đạt kết quả đó thì công an phải hết lòng giúp đỡ nhân dân và dựa vào lực lượng hùng mạnh của nhân dân... Làm tốt những việc đó, thì chúng ta nhất định thắng được địch"[9]. Người khẳng định: "Đảng và Chính phủ tin vào lòng tuyệt đối trung thành và ý chí kiên cường phấn đấu của các đồng chí. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an phải cố gắng vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ"[10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những lời chỉ dạy của Người đối với Công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Những lời dạy của Bác là định hướng cơ bản, ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, đồng thời là chuẩn mực về đạo đức, nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an dù ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải rèn luyện, phấn đấu, thực hiện. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân là một chỉnh thể thống nhất, sâu sắc và toàn diện về yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh, phương châm hành động, biện pháp công tác, mục tiêu phấn đấu, cống hiến, tu dưỡng, rèn luyện, chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ công an, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Bước vào giai đoạn mới, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đặt ra những yêu cầu và nội dung mới. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục ráo riết thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn, can thiệp lật đổ ở nước ta với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng quyết liệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, tinh vi, xảo quyệt. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sáng 23/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định: "Lực lượng Công an chúng ta rất vinh dự, tự hào khi có được một di sản rất quý báu, đó là hệ tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân. Gần như không có lĩnh vực công tác Công an nào mà không có lời chỉ dạy của Bác Hồ, từng phương châm, nguyên tắc, biện pháp đều có sự chỉ đạo, chỉ dẫn rất gần gũi, cụ thể. Trong đó điển hình nhất là 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, không chỉ trong lực lượng Công an mà các cấp, các ngành cũng thấm nhuần lời dạy của Bác". Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục trong Công an nhân dân hơn 70 năm qua, luôn là nội dung trọng tâm công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an nhân dân trong các giai đoạn cách mạng trước đây, cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế ngày nay. Thực hiện lời dạy của Bác, cán bộ chiến sĩ  công an nhân dân "Thường xuyên học tập chính trị, học tập nghiệp vụ, học tập văn hoá và thời sự", luôn lấy 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là cẩm nang, là xương sống cho mọi hoạt động của bản thân. Hơn lúc nào hết, lực lượng Công an nhân dân nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang; nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ra sức học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ. Phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy", cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" đã diễn ra sâu rộng, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, để mỗi cán bộ chiến sĩ tự giác học tập, làm theo Bác.

Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển, lực lượng Công an nhân dân luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước và đã được tôi luyện, thử thách qua khói lửa ác liệt của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ biên giới của Tổ quốc; tích lũy, đúc rút và hun đúc được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, thể hiện ngày càng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ và trình độ nghiệp vụ trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Với những thành tích vẻ vang và chiến công to lớn, hơn 70 năm qua lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 16 Huân chương Sao vàng; 100 Huân chương Hồ Chí Minh; 268 Huân chương Độc lập; 1.072 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng vạn Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước và Chính phủ. Kế tục và phát huy những truyền thống tốt đẹp, ngày nay lực lượng Công an nhân dân quyết tâm vượt qua mọi thử thách; luôn đoàn kết, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Chú thích:


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr. 269

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 498.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr. 270

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr. 270

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 9, tr. 77

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 10, tr. 258

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr. 598

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr. 71

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr. 72

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr. 72

Cao Thanh Huyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ