(Tổ Quốc) -Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tối 2/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã nói về việc này.
Khẩn trương rà soát
Theo ông Phương, đây là do yếu tố lịch sử để lại. Mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào và Việt Nam – Campuchia là mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, lâu đời.
Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã thành lập 1 vụ hợp tác với Lào và Campuchia, khi đó có 1 vụ trưởng và 2 vụ phó và hơn 10 chuyên viên chuyên trách. Vụ Kinh tế đối ngoại là vụ làm công tác về quan hệ đối ngoại, kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế với tất cả đối tác còn lại.
Sau khi có chủ trương giảm đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sáp nhập hai vụ là Vụ Hợp tác với Lào, Campuchia và Vụ Kinh tế đối ngoại thành 1 vụ là Vụ Kinh tế đối ngoại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương. Ảnh: Báo Đấu thầu |
“Do vậy từ khi sáp nhập vào thì có 2 vụ trưởng. Bởi khi sáp nhập vào thì không thể bảo là thôi 1 vụ trưởng xuống vụ phó, khi đó cũng chưa có quy định một đơn vị chỉ có 1 cấp trưởng. Gần đây theo quy định mới thì 1 đơn vị cấp vụ chỉ có 1 trưởng và 3 phó”- ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương rà soát để giải quyết vấn đề này để đảm bảo số lượng cấp trưởng và cấp phó đúng theo quy định. Đồng thời sớm có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc này.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khác với SCIC
Cũng tại buổi họp báo, liên quan tới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay, Thủ tướng đã có Quyết định số 66 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng liên quan tới thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng và có nhóm giúp việc gồm có Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ về nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết này.
Dự kiến, Chính phủ sẽ thông qua nghị quyết về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban trong quý II/2018.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mô hình của Ủy ban so với SCIC, ông Phương cho hay, hai mô hình này là khác nhau. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn của nhà nước (SCIC) chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước.
Còn Ủy ban sẽ quản lý tổng thể, tổng tài sản Ủy ban này quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng, một con số rất lớn, là định chế bao trùm, có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng bao quát toàn bộ vấn đề này./.
Song Đào