Mùa hoa cúc chi vàng rực một góc Nghĩa Trai
Thực hiện: Hoàng Việt | 24/12/2023
(Tổ Quốc) - Vùng dược liệu đã tồn tại từ lâu ở làng Nghĩa Trai, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đang bước vào mùa thu hoạch. Vào thời điểm này, những thửa ruộng cúc chi vàng rực nhuộm vàng Nghĩa Trai.
Làng Nghĩa Trai (Văn Lâm, Hưng Yên) là làng nghề truyền thống trồng và chế biến cây dược liệu lâu đời, đặc biệt loài hoa cúc chi đã được người dân nơi đây canh tác và chế biến thành dược liệu trong các thang thuốc và sau được chế biến thành trà. Cúc chi là dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe trong y học cổ truyền như giúp ngủ ngon, sáng mắt. Cúc chi chỉ có thể thu hoạch một vụ trong năm, từ tháng 6 dương lịch hoa bắt đầu được trồng đến tháng 11 Cúc chi bắt đầu trổ bông và được thu hoạch từ tháng 12 cho đến Tết dương lịch.
Cúc chi được chăm sóc khá kì công từ vun đất cho đến tưới nước, bón phân tất cả các công đoạn sẽ quyết định chất lượng của bông hoa. Cây cúc chi dễ trồng, tuy nhiên thời điểm đầu vụ khi còn non, cây rất dễ bị các loài gây hại như sâu đất, sâu xanh, rệp, bọ nhảy…
Vào vụ thu hoạch, mỗi người có thể hái 10-20kg hoa tươi/ngày. Bông hoa cúc chi sau đó được mang về sấy hoặc phơi khô tùy vào mục đích đầu ra của thành phẩm (làm thuốc hoặc trà hoa cúc) rồi đem bán.
Nghĩa Trai thuộc xã Tân Quang, hiện diện tích trồng gần 20ha cây dược liệu, 38ha hoa cây cảnh, với tỉ lệ 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại, tồn tại vài trăm năm. Khi hết mùa hoa, người dân nơi đây chuyển sang trồng các loại cây khác như tía tô, kinh giới,…
Thùy Dương (16 tuổi, người làng Nghĩa Trai), chiều đi học về Dương cùng các bạn ra đồng nhận hái thuê cho chủ vườn, để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Mỗi 1kg cúc tươi hái được, em sẽ được trả công 14 nghìn.
Không chỉ làm để bán, người dân Nghĩa Trai cũng sử dụng trà hoa cúc làm thức uống quen thuộc hàng ngày, để giảm chi phí người làng sẽ mua cúc tươi về rồi tự phơi, sấy làm trà uống. Người dân cho biết, hoa cúc chi có vị đắng, hơi ngọt, hương thơm dịu, dễ chịu, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ...
Tính ra mỗi năm người dân ở Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu đủ loại. Những gia đình chế biến quy mô nhỏ mỗi năm từ 30 đến 50 tấn, còn những hộ lớn mỗi năm chế biến hàng trăm tấn. Mỗi mùa Cúc chi trung bình mỗi hộ kinh doanh sẽ thu lại khoảng hơn 100 triệu từ tiền bán các thành phẩm từ Cúc chi. Thị trường chủ yếu của làng Nghĩa Trai là những đại lý dược ở các thành phố lớn, các công ty dược nội địa và xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra Nghĩa Trai còn là địa chỉ tin cậy của những phòng chẩn trị y học cổ truyền phương Đông trong và ngoài tỉnh, trong vài năm trở lại đây, trà hoa cúc Nghĩa Trai cũng là mặt hàng chủ lực của bà con nơi này.
Những năm trước đây nghề trồng cây dược liệu đã từng là nguồn lợi mang lại cuộc sống sung túc cho người dân Nghĩa Trai. Nhưng có thể đây sẽ là một trong mùa Cúc chi cuối cùng của người dân Nghĩa Trai, khi phần lớn đất ruộng sẽ phải nhường chỗ cho một dự án xây dựng.
Một số hình ảnh về cánh đồng Cúc chi ở Nghĩa Trai:
Người dân ở đây chia sẻ, nếu sấy lạnh bằng tủ sấy hiện đại ngày nay cúc thành phẩm làm trà có giá từ 800-1 triệu/kg hoa khô, dạng sấy sạch (sấy than củi) hoặc phơi (phơi từ 4-5 nắng) giá khoảng 500 nghìn/kg hoa khô. Nếu sấy bằng chất diêm sinh giá rẻ hơn hẳn, khoảng 200 nghìn/kg (thường để làm cúc thuốc trong các thang thuốc Đông y). Cũng có thể bán hoa tươi, nhưng giá khá rẻ, chỉ từ 30-40 nghìn/kg.