Tôi không thể quên câu nói của một ai đó"Dù Văn Cao thế nào thì khi nhạc của ông xướng lên,núi đồi cũng phải đứng nghiêm".
Cứ mỗi lúc Xuân về lại có... Mùa xuân đầu tiên...
Tôi có mùa xuân đầu tiên từ năm 1959, sau 20 năm ông viết "Buồn tàn thu" thuở ông 17 tuổi. 17 tuổi đã có một Văn Cao tài hoa, một số phận tai hoạ và khi về với người hiền, tên tuổi Văn Cao vẫn rầm rì, róc rách trong trí nhớ...
Tôi không thể quên câu nói của một ai đó "Dù Văn Cao thế nào thì khi nhạc của ông xướng lên, núi đồi cũng phải đứng nghiêm".
Với Tiến Quân Ca - Quốc Ca, Văn Cao thừa xứng đáng với sự phong tặng ngôn ngữ có phần khiêm tốn này dành cho ông, một tài danh âm nhạc, người sống lâu nhất với ca khúc trang nghiêm, tôn kính về Tổ quốc mình và cũng là người viết Quốc ca ngã xuống cuối cùng trên thế giới.
Ngày 10 tháng 7 năm 1995 có một cơn bão lớn ở Hà Nội: trong căn nhà 30 m2, số nhà 108 Yết Kiêu có Văn Cao tạ thế, và... đối diện với số nhà 108, nơi sinh sống của người nghệ sỹ tài hoa này có một cây cổ thụ gục ngã...
Họ toả bóng cùng nhau và chết cùng nhau ...
* *
*
Mùa xuân đầu tiên là sự bỡ ngỡ về chiến thắng nhưng từ ca từ đến giai điệu là một ca khúc khác thường, xuất thần, vô thường...
Một điệu valse khải hoàn nhưng nhoè lệ...
Vì nó chạm đến "Mùa xuân theo én về" đến "khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông" để chạm đến cõi "mênh mông"...
Vì nó thức tỉnh sau những tang thương của chết chóc và súng đạn để "Từ đây người biết quê người/ từ đây người biết thương người/ từ đây người biết yêu người"...
Nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời, quá yêu mến người nhạc sỹ tài hoa Văn Cao, trầm tĩnh với lời khen khó ai có thể khen như thế "sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hoá của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo Chân lý và Tiến bộ..."
* *
*
20 năm không viết gì để chờ 20 năm chiến thắng . Bến Hải không quặn đau nỗi đau chia cắt ông mới trở lại với Mùa xuân đầu tiên và... cũng sau khi ông khuất núi, Mùa xuân đầu tiên cũng mới đến được với mọi người...
Mùa Xuân phải đến. Cái đẹp bất diệt!...
* *
*
Mùa xuân đầu tiên không có cao trào, không luyến láy, trầm và buồn. Một thứ âm nhạc của mưa phùn. Dù có dùng đến Valse thì vẫn rả rích hồn người...
Nghe bâng khuâng lắm, nôn nao và lẩn khuất nỗi niềm buồn lắm...
Những mất mát đời thường, những niềm vui đời thường trong chiến tranh... tưởng như đã mất, nay trở lại trong tiếng gà trưa với khói bay trên sông và mùa bình thường...
Xin cúi lạy những ngày bình thường...
Xin trả khăn tang cho những cuộc chiến tranh với những chi phí bằng máu...
Xin lại những Mùa xuân đầu tiên với" khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn".
* *
*
Nhạc sỹ Văn Cao và tác giả bài viết (Tháng 3/1995)
Gặp ông trước giờ phút nguy nan...
Cõng một thân gầy, bốn tháng trước khi ông mất, từ một căn giường nhỏ ra một phòng khách nhỏ với tấm chăn cũ nát như lưu niệm song hành với ông vậy...
Uy nghiêm, thành kính khi chào cờ Tổ Quốc, lúc ấy mới thấy Quốc Ca dựng dậy một sông núi hào hùng, một dân tộc anh hùng...
Cõng một thể xác nhẹ bỗng mà thấy lòng nặng nợ...