• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mùa xuân ra đồng hái lá khúc về chữa bệnh

Sức khỏe 23/02/2013 11:39

(Toquoc)- Cứ mỗi dịp xuân về, với tiết trời mưa phùn lâm thâm, se se lạnh, là những hạt khúc nằm trong đất suốt một năm lại có cơ hội chui lên đâm chồi khắp ruộng đồng.

(Toquoc)- Cứ mỗi dịp xuân về, với tiết trời mưa phùn lâm thâm, se se lạnh, là những hạt khúc nằm trong đất suốt một năm lại có cơ hội chui lên đâm chồi khắp ruộng đồng. Trên những bãi bồi ven sông hay các thửa ruộng đang phơi ải nằm nghỉ ngơi, những bụi khúc non có cơ hội vươn lên mạnh mẽ.

Cây rau khúc cao hơn gang tay, thân có lông trắng mịn như bông, lá so le hình bầu dục màu xanh nhạt. Cây có nhiều cành, cụm hoa có màu vàng nhạt mọc ở ngọn, ở thân. Khi già những hạt khúc nhỏ li ti như bụi, rơi vào lòng đất, hoặc phát tán theo gió. Cuối đông, những hạt mầm của khúc bắt đầu trồi lên, và sang đầu xuân đã phủ kín khắp bãi trống. Mỗi năm, chỉ có độ đầu xuân là mới thấy chúng. Ra đồng, vào thời điểm này, từ xa đã nhìn thấy một màu trắng bạc phủ khắp nơi.

Hồi bé, mỗi lần được về quê ngoại vào những ngày xuân, sớm dậy hai bà cháu ra đồng chọn những khóm khúc non để hái về làm bánh khúc. Muốn bánh ngon, cần hái lá khúc khi mặt trời chưa lên đỉnh đầu, những hạt sương mai còn đọng trên từng kẽ lá. Những ngón tay chạm khẽ vào lá, hái được cả một chùm sương, niềm vui thích tựa hồ như reo lên thành lời. Kỳ công cả một buổi sớm, tôi thường hái được cả một rổ đầy, đủ để bà làm một trõ bánh khúc to cho cả nhà ăn.

Thường những lá non mới hái, ngoại thường làm bánh luôn, còn đâu phần dư ngoại đem phơi để cả năm dùng dần. Ngày nay, các thửa ruộng ít hơn rất nhiều, nên tìm được đúng lá khúc để làm bánh cũng không phải chuyện đơn giản. May sao, hôm rồi, tôi sang chơi nhà bạn bên Gia Lâm, tôi bắt gặp một ruộng muống cạn có lấp ló những khóm khúc non. Tôi liền xuống hái một ít về làm bánh và tìm hiểu thêm về loài lá này.

Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Lượng (Viện Y học cổ truyền Quân Đội), cây rau khúc thuộc họ Cúc (Asteraceae). Tên khoa học là Gnaphalium affine D. Don (Gnaphalium multiceps Wall.) còn có tên là "khúc nếp", "thử khúc thảo", "thử nhĩ", "hoàng hoa bạch ngải", "phật nhĩ thảo", "thanh minh thảo", "hài nhi thảo"... Nó không chỉ là một loại lá dùng để làm nên món bánh nổi tiếng “Bánh Khúc” mà còn là một loại thuốc trong Đông y. Rau khúc có vị ngọt, tính bình, tác dụng với các kinh: Phế, Tỳ và Vị. Có công dụng khư phong tán hàn, hóa đàm, chỉ khái, lợi thấp, giải độc, lợi tiêu hóa.

Một số bài thuốc đơn giản hay dùng với cây rau khúc như sau:

- Chữa cảm lạnh phát sốt, ho: Rau khúc khô 15- 20g (hoặc 30- 40g tươi), sắc lấy nước uống trong ngày, có thể thêm tía tô, kinh giới, mỗi thứ 9g, sắc cùng để tăng công dụng. 

- Chữa cảm nắng, phát sốt, ho: Rau khúc khô 30g, thanh cao 15g, bạc hà 9g, sắc lấy nước uống trong ngày. 

- Chữa ho, viêm họng: 30g rau khúc, 5g củ rẻ quạt, 50g diếp cá. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa hen suyễn: 30g rau khúc, 20g lá bồng bồng, 15g, cam thảo đất. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2, 3 lần. Chữa tăng huyết áp: 30g rau khúc, lá dâu 20g. Nấu canh hằng ngày.

- Chữa ho nhiều đờm: Rau khúc khô 15- 20g, đường phèn 15- 20g, sắc nước uống trong ngày. 

- Chữa đầy bụng, tiêu chảy: Rau khúc khô 30- 60g, kê nội kim (màng mề gà) 1 cái, sắc lấy nước uống trong ngày. 

- Chữa đau nhức do thống phong (Gut - Guoty Arthiritis): Dùng lá và cành non cây rau khúc, rửa sạch, giã nát đắp vào chỗ đau sưng, băng cố định lại, có tác dụng giảm đau. 

- Chữa vết thương sưng tấy, vết thương không liền miệng: Rau khúc khô 30g, sắc nước uống trong ngày, đồng thời giã lá rau khúc tươi trộn giã nát đắp lên vết thương./

Bảo Ngọc

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ