• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 trong tầm tay?

Du lịch 03/01/2023 11:41

(Tổ Quốc) - Những ngày đầu năm 2023, một số địa phương đã đón khách du lịch quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch Việt Nam, tiến tới việc đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong tầm tay.

Ngay trong ngày 1/1 và 2/1/2023, TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Lào Cai… rộn ràng chào đón những vị khách quốc tế đến "xông đất" năm mới dương lịch và khai trương các đường bay.

Các đường bay trực tiếp quốc tế được khai thác trở lại và khai thác mới trong thời gian qua đã gia tốc cho sự phục hồi du lịch của TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng…

Tuy nhiên, cả năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt (mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt), thấp hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, Thái Lan thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, con số này ở Singapore là gần 6 triệu lượt.

Vì sao Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, đồng thời là một trong 62 quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan COVID-19, nhưng không đạt được mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế? Đáng buồn là chúng ta đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.

Mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 trong tầm tay?  - Ảnh 1.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng những ngày đầu năm mới 2023 đón lượng khách quốc tế tới tham quan du lịch Đà Nẵng, Hội An rất đông. Ảnh: Đức Hoàng

Tại Hội thảo "Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu" diễn ra ở TP. Đà Nẵng chiều 27/12/2022, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy bày tỏ mong muốn tháo gỡ "điểm nghẽn" của du lịch quốc tế, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phân tích rằng, nguyên nhân khách quan là do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 3 hằng năm); xung đột Nga - Ukraine tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero COVID".

Theo ông Khánh, ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do du lịch Việt Nam đang cần những cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch; chính sách an sinh xã hội, tín dụng và các chính sách giảm giá điện, đất…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh trên địa bàn bàn tỉnh, thành phố.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là khu vực ASEAN, đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong việc thu hút thị trường khách nước ngoài.

Trong những nguyên nhân mà ông Nguyễn Trùng Khánh nhắc đến có vấn đề thị thực. Đây là rào cản lớn trong việc gia tăng lượng khách nước ngoài vào tham quan du lịch.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam - cũng thẳng thắn cho rằng chúng ta chỉ đi trước việc mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022, nhưng thủ tục visa, chính sách visa; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật sau dịch... liên quan tới các địa phương và các bộ, ngành khác thì lại đi sau, thậm chí đi sau rất nhiều nước trong khu vực, mà những vấn đề này không đến từ ngành Du lịch.

Chính sách visa của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 vẫn chỉ miễn thị thực cho công dân 24 nước khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thực chất, đó là các quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân từ trước đại dịch COVID-19 năm 2020.

Việt Nam yêu cầu khách phải đi theo đoàn, trong khi xu hướng sau dịch là khách đi cá nhân, gia đình hoặc nhóm nhỏ; phí xin visa theo các công ty bảo lãnh nên chi phí xin visa cao.

Còn Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á đã thay đổi chính sách thị thực như kéo dài thời gian miễn thị thực từ 30-45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày.

Mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 trong tầm tay?  - Ảnh 2.

Du khách quốc tế tham quan du lịch phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), Ảnh: Đức Hoàng

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam dự kiến đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Ông Cao Trí Dũng cho rằng, con số này là hợp lý. Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) - cũng nhận định con số 8 triệu là khả thi.

Như vậy, mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 là trong tầm tay, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại.

Ngành Du lịch và các địa phương đang chuẩn bị mọi điều kiện để đạt mục tiêu tăng trưởng vượt bậc khách quốc tế. Song, để làm được thì cần cơ chế, chính sách đột phá hơn liên quan thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải - hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch..., và một mình ngành Du lịch không thể "đơn thương độc mã" làm được.

Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh" hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo môi trường thân thiện và an toàn, cũng sẽ là tiền đề mang lại những hiệu ứng tích cực cho du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung, từ đó hoàn thành chỉ tiêu của năm 2023 là đón 8 triệu khách quốc tế và sớm nâng lên con số 50 triệu khách vào năm 2030.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ