(Tổ Quốc) - Có rất nhiều loại muối trên thị trường, việc hiểu biết rõ về từng loại để chọn ăn đúng theo từng đối tượng là rất quan trọng. Đây là tất cả những điều bạn cần biết về muối ăn.
Muối là một gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều loại muối như muối natri thấp, muối không i-ốt, muối hồng, muối giếng sâu, muối biển, muối bông tuyết, ... vậy, sự khác biệt giữa chúng là gì? Muối nào tốt hơn cho sức khỏe của bạn?
Theo thành phần: Muối ăn chủ yếu được chia thành 3 loại, mỗi loại có chống chỉ định riêng
Trên thực tế, nếu chia theo thành phần chính của muối ăn thì có thể chia muối ăn thành 3 loại: muối natri thấp, muối i-ốt và muối không i-ốt.
1. Muối natri thấp - bệnh nhân bị bệnh thận không nên ăn
Chúng ta đều biết rằng ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, nhưng trên thực tế, "kẻ giết người" thực sự của bệnh cao huyết áp không phải là muối mà chính là natri.
Theo Bác sĩ Vu Lộ Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh huyện Thẩm Hà của tỉnh Liêu Ninh (TQ) đã chỉ ra trong một bài báo trên Thời báo Sức khỏe rằng, các mạch máu của con người có thể thẩm thấu và natri giống như một miếng bọt biển.
Nếu natri được tiêu thụ quá nhiều, nước sẽ ngấm vào đó gây ra hiện tượng giữ nước và natri, làm tăng lượng máu và tăng áp lực lên mạch máu, nếu để lâu sẽ làm áp lực lên mạch máu tăng lên dẫn đến huyết áp cao.
Vì vậy, muối natri thấp đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Giám đốc Dương giải thích rằng, muối natri thấp là muối dinh dưỡng, so với muối thông thường, hàm lượng natri clorua thấp hơn khoảng 30%.
Chúng ta biết rằng, hàm lượng natri clorua của muối truyền thống là hơn 95%, trong khi 30% kali clorua được thêm vào muối natri thấp, làm giảm hàm lượng natri clorua xuống khoảng 70%.
Mặc dù nó hầu như không ảnh hưởng đến vị mặn, nhưng nó làm giảm lượng natri và tăng lượng kali một cách hiệu quả.
Kali có thể chỉ đóng vai trò hạn chế natri, khi hàm lượng natri trong thực phẩm cao thì kali sẽ không đóng vai trò điều tiết, nhưng nếu tăng lượng kali trong thức ăn có thể thúc đẩy quá trình bài tiết natri và giảm hiện tượng giữ nước và natri. Muối natri thấp là có tác dụng như vậy.
Do đó, trong chế độ ăn thông thường, bạn có thể thay thế muối thường bằng muối ít natri/muối natri thấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải cứ nói với lượng muối natri thấp là có thể ăn thỏa thích mà phải kiểm soát tổng lượng muối ăn theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, không phải ai cũng thích hợp với muối natri thấp.
Theo bác sĩ Tần Kiến Quốc, trưởng Khoa Thận, Bệnh viện Đông Phương, Đại học Trung y Bắc Kinh (TQ) đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Thời báo Sức khỏe rằng, muối natri thấp chứa nhiều kali hơn, đối với bệnh nhân thận, đặc biệt là những người bị rối loạn chức năng tiết niệu (chẳng hạn như urê huyết), thì không nên ăn muối ít natri.
Bởi vì khi có nhiều kali không thể đào thải ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả, chúng tích tụ trong cơ thể sẽ gây tăng kali máu, dễ gây rối loạn nhịp tim và suy tim.
2. Muối i-ốt được khuyến nghị cho những vùng thiếu i-ốt
Hầu hết muối ăn trong sinh hoạt của chúng ta là muối i-ốt, sở dĩ chúng ta bổ sung i-ốt vào muối ăn là do trước đây nhiều địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh do thiếu i-ốt trầm trọng, sau đó nhà nước thực hiện chính sách phổ cập muối i-ốt.
Sau khi Bộ Y tế Trung Quốc sửa đổi trong văn bản "Tiêu chuẩn sử dụng các chất tăng cường chất dinh dưỡng trong thực phẩm" vào năm 2012, việc bổ sung các chất tăng cường chất dinh dưỡng không phải là i-ốt không còn được phép nữa. Hàm lượng i-ốt của muối ăn có thể được lựa chọn từ 20mg/kg, 25mg/kg và 30mg/kg.
Tuy nhiên, trên mạng luôn có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên tiếp tục sử dụng muối i-ốt hay không, có người cho rằng bổ sung i-ốt bao nhiêu năm rồi thì không cần dùng muối i-ốt, có người cho rằng vùng ven biển ăn hải sản nhiều hơn và dựa vào thực phẩm để bổ sung i-ốt là đủ.
Bác sĩ Đinh Hà, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Nam Thông (TQ) đã chỉ ra trong một bài báo trên Thời báo Sức khỏe rằng, hàm lượng i-ốt trong các loại thực phẩm phổ biến là: Rong biển tươi 114μg / 100g, rong biển khô 4323μg / 100g, tôm biển khô 265μg/ 100g, trai 346μg / 100g, tôm thịt 82μg / 100g.
Do đó, nếu bạn muốn sử dụng thực phẩm có hàm lượng i-ốt cao hơn để đáp ứng nhu cầu i-ốt trung bình của người lớn là 120μg / ngày, bạn cần ăn 105g rong biển tươi hoặc 3g rong biển khô hoặc 45g tôm khô (tép) mỗi ngày.
Theo bản tiêu chuẩn "Hàm lượng i-ốt trong muối ăn" của Trung Quốc, nếu mức i-ốt tăng cường trong muối ăn là 25mg / kg và 5g muối ăn được tiêu thụ mỗi ngày, tổn thất khi nấu nướng được tính là 20% và lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày từ muối i-ốt là 100μg, cộng với nước uống và i-ốt trong thực phẩm có thể đáp ứng nhu cầu i-ốt của người dân nói chung.
Vì vậy, nếu bạn sống ở vùng ven biển và thường tiêu thụ nhiều hải sản, bạn không cần thiết phải chọn ăn loại muối có i-ốt. Tuy nhiên, nếu lượng hải sản ăn vào không đủ, hoặc ở những vùng thiếu i-ốt thì nên dùng muối i-ốt.
3. Muối không có i-ốt: Hai nhóm người không khuyến khích sử dụng
Muối i-ốt quan trọng với nhiều người, nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn muối i-ốt.
Theo Bác sĩ Tống Hướng Dương, Giám đốc Khoa Tuyến giáp và Phẫu thuật Vú của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã nêu trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, có hai nhóm người không thích hợp với muối i-ốt, một là bệnh nhân mắc các bệnh tuyến giáp như như cường giáp, viêm tuyến giáp và các bệnh tuyến giáp tự miễn.
Nếu bạn cần làm theo lời khuyên của bác sĩ để điều trị, bạn có thể tránh hoặc ăn ít muối i-ốt; đối tượng còn lại là cư dân sống ở những vùng có nhiều i-ốt hoặc những vùng không thiếu i-ốt. Họ đã nhận đủ i-ốt từ thức ăn và nước uống hàng ngày. Phần dân cư này cũng không nên tiêu thụ muối i-ốt.
Theo quy trình sản xuất: Ở từng nơi thì hàm lượng muối sẽ khác nhau một chút, nên việc kiểm soát số lượng là quan trọng nhất
Ngoài ba loại muối trên, các loại muối khác có nguồn gốc từ ba loại này dựa trên quy trình sản xuất khác nhau và khu vực khai thác muối khác nhau.
Ví dụ, sự khác biệt lớn nhất giữa muối giếng, muối hồ, muối biển và muối mỏ là nguồn muối khác nhau.
Muối giếng là loại muối được tạo ra bằng cách khoan giếng để chiết xuất nước muối dưới lòng đất (hình thành tự nhiên hoặc sau khi bơm nước từ mỏ muối);
Muối biển đề cập đến sự bay hơi và kết tinh của nước biển tạo thành muối;
Muối hồ là muối được khai thác trực tiếp từ hồ muối và muối được tạo ra từ hồ muối làm nguyên liệu thô trong chảo muối;
Muối biển được tạo ra sau khi nước biển được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Muối hóa thạch hay muối mỏ là loại muối được hình thành sau hàng trăm triệu năm địa chất và nhiệt độ cao dưới lòng đất;
Muối hồng nhạt cũng là một loại muối mỏ, thường có màu hồng vì có dấu vết của sắt.
"Muối rong biển" sử dụng i-ốt hữu cơ tự nhiên chiết xuất từ rong biển để thay thế kali i-ốt trong muối i-ốt thông thường.
"Muối bông tuyết" được hình thành bằng cách hòa tan muối nguyên liệu lần thứ hai để tạo thành các tinh thể giống như bông tuyết và có điểm nóng chảy thấp hơn.
"Muối tre" là cho muối ăn vào ống tre, bịt hai đầu bằng đất vàng rồi dùng cành thông làm chất đốt, sau khi nung ở nhiệt độ cao 1000 ℃ ~ 1300 ℃, bột rắn cuối cùng thu được là muối tre. Sau khi tinh chế, các khoáng chất trong ống tre và đất vàng sẽ đi vào muối ăn, có thể nói muối tre được chế biến thành "muối thô".
Cuối cùng, Bác sĩ Đinh Hà, phó trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Thông (TQ) gợi ý rằng, với rất nhiều loại muối, chúng ta chỉ cần dựa vào thể trạng của mình để chọn muối i-ốt thông thường, muối ít natri và muối không i-ốt trong cuộc sống hàng ngày.
Mỗi người cần phân biệt được sự khác nhau giữa các loại muối để lựa chọn, nhưng cần lưu ý, dù ăn muối gì thì cũng phải kiểm soát lượng muối, đây là điều quan trọng nhất.
Bài viết tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn.