(Tổ Quốc) - Ngoài sốt xuất huyết, muỗi còn là “thủ phạm” gây ra các căn bệnh khác như: Zika, Sốt rét, Sốt vàng da, Viêm não Nhật Bản…
Muỗi truyền các bệnh
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.
Biểu hiện sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn là dễ bầm tím và chảy máu răng, đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết dưới da…
Bệnh sốt xuất thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
Hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Virus Zika
Virus Zika được tìm thấy đầu tiên ở châu Phi những năm 1940, sau đó lây lan đến Nam, Trung Mỹ, Mexico, vùng Carribean, Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương. Bệnh được lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm.
Triệu chứng từ virus Zika bao gồm: sốt, phát ban, đau khớp, đau mắt đỏ và có thể tự khỏi trong vòng một tuần.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghi ngờ căn bệnh này gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi, có thể gây dị tật bẩm sinh, khiến não bị teo nhỏ gây bệnh đầu nhỏ. Bệnh đầu nhỏ khiến trẻ không phát triển đầy đủ, bị chậm phát triển trí tuệ và các vấn đề khác.
Hiện chưa có thuốc đặc hiệu ngăn chặn virus Zika. Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có thai nên tránh đi du lịch đến các vùng có dịch.
Sốt rét
Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium ở người gây nên. Bệnh lây theo đường máu, chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền. Có 5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người: Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi.
Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng: rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh tiến triển có chu kỳ và có hạn định nếu không bị tái nhiễm. Ký sinh trùng sốt rét gây miễn dịch đặc hiệu nhưng không bền vững.
Ở nước ta bệnh lưu hành chủ yếu vùng rừng, đồi, núi, ven biển nước lợ; bệnh xảy ra quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa mưa. Sốt rét có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Bệnh lưu hành địa phương, trong những điều kiện thuận lợi có thể gây thành dịch, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, có thuốc điều trị đặc hiệu.
Sốt vàng da
Sốt vàng da là một căn bệnh phổ biến ở châu Phi và Nam Mỹ. Đó là một dạng bệnh sốt xuất huyết không có biện pháp điều trị. Sau một thời gian bệnh nặng, hầu hết bệnh nhân hồi phục, nhưng khoảng 15% bị biến chứng độc hại, bắt đầu bị chảy máu trong và rối loạn các cơ quan nội tạng. Khoảng một nửa số bệnh nhân bị biến chứng tử vong.
Các ca bệnh sốt vàng da đã tăng từ những năm 1980 do khả năng miễn dịch của con người suy giảm, do nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, du lịch hàng không gia tăng, và tỷ lệ lây nhiễm cao hơn ở các thành phố do một giống muỗi gọi là muỗi Aedes aegypti.
Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh lây nhiễm gây nguy hiểm đến não do vết cắn của muỗi. Viêm não Nhật Bản là bệnh phổ biến ở châu Á, New Guinea và phía bắc Queensland. Một số triệu chứng nghiêm trọng của bệnh này bao gồm nhiệt độ cao, co giật, hôn mê và nhức đầu dữ dội.
Mặc dù không lây lan giữa người với người, song bệnh viêm não Nhật Bản lại có thể lây từ động vật sang người do muỗi. Bệnh này giết chết khoảng 10.000 người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Mặc dù không có phương pháp điều trị song viêm não Nhật Bạn đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Ngoài 5 bệnh nguy hiểm kể trên do muỗi truyền bệnh, muỗi còn gây ra các bệnh khác như: Chikungunya, Virus West Nile, sốt Rift Valley, Viêm não Murray Valley, Dirofilaria immitis, Viêm não ngựa (WEE).
Cách phòng bệnh do muỗi
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Bên cạnh đó có thể dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi, các loại cây có thể đuổi muỗi…
Về cách phòng chống muỗi đốt thì nên: Mặc quần áo dài tay,ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Nếu có người bị sốt xuất huyết thì phải để nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Hà Anh (Tổng hợp)