(Tổ Quốc) -Lập hồ sơ giả để nâng mức độ nghiêm trọng của tai nạn hay nhân viên bảo hiểm bắt tay với khách hàng để có thêm tiền bồi thường, chia chác…
Muôn vàn mánh khóe
Trục lợi bảo hiểm đang trở thành vấn đê nhức nhối, là thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội (PTI) cho biết, nhiều trường hợp khách hàng sau khi bị tổn thất thì tìm cách “bắt tay” với các đại lý mua bảo hiểm để đòi bồi thường.
Ví như, trường hợp một doanh nghiệp vận tải tại Thái Nguyên, sau khi lái xe Innova đâm phải cột tại kho xưởng bị tổn thất thì mới tìm cách liên hệ với đại lý cấp đơn bảo hiểm. Mặc dù, trước mỗi lần cấp đơn, các doanh nghiệp bảo hiểm đều yêu cầu phải có ảnh chụp chi tiết nhưng khách hàng đã lần lữa không gửi ảnh. Sau khi cấp đơn được 2 ngày, khách hàng nộp đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm với số tiền thiệt hại là khoảng 150 triệu đồng.
Hay có nhiều trường hợp, khách hàng khi đi trên đường va quệt với bên thứ 3. Theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm, đối với những trường hợp va chạm với bên thứ 3 thì khách hàng phải giữ nguyên hiện trường sau đó mời doanh nghiệp bảo hiểm đến xác định trách nhiệm. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng đã tự thỏa thuận với người bị va chạm, tự nhận hoặc thanh toán tiền bồi thường trước, sau đó, dựng hiện trường giả theo hướng xe tự đâm vào 1 điểm nào đó để tránh các thủ tục hồ sơ pháp lý, và yêu cầu thêm tiền bồi thường.
Một trường hợp khác, chị Lan (Hà Đông, Hà Nội) lái xe bị đâm vào một chiếc xe khác đỗ trong bãi gửi, hậu quả là xe của chị Lan đã bị móp và vỡ đèn pha trước. Kiểm tra lại giấy chứng nhận bảo hiểm chị Lan mới tá hỏa là giấy chứng nhận bảo hiểm của mình đã hết hạn từ vài tháng trước.
Tuy nhiên, với mục đích thanh toán được tiền sửa xe, chị Lan đã “bắt tay” với đại lý bán bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm bằng cách dẫn đại lý đến chụp ảnh một chiếc xe giống y hệt. Và chỉ sau 2 ngày cấp đơn bảo hiểm, chị Lan đã thông báo lên Công ty bảo hiểm yêu cầu bồi thường.
Một trường hợp khác liên quan đến bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Do đặc điểm của bảo hiểm chăm sóc sức khỏe là không cần khám bệnh trước khi cấp đơn nên nhiều khách hàng đã tận dụng để trục lợi.
Anh Hòa có con trai 5 tuổi vừa phải nằm Bệnh viện Nhi Trung ương do các bệnh liên quan đến đường hô hấp với chi phí mất mất hơn 20 triệu đồng.
Ngay sau đó, anh Hòa đã quyết định mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với mức cao nhất cho con trai với mức phí một năm 10 triệu đồng nhằm mục đích hợp thức số tiền trên. Thông qua 1 đại lý bán bảo hiểm, cùng với mối quen biết với một vài bác sỹ trong bệnh viện, anh Hòa đã hoàn thiện được đầy đủ một bộ hồ sơ nằm viện với chi phí lên đến 30 triệu đồng.
Cần chế tài nghiêm khắc
Theo ghi nhận của Hiệp hội Bảo hiểm, nhiều trường hợp chủ xe cấu kết với xưởng hoặc gara sửa chữa xe để khai tăng giá sửa chữa hoặc thay mới khi không cần thiết, ghi khống hạng mục sửa chữa… để trục lợi.
“Khách hàng đều là những người rất am hiểu Luật và nghiệp vụ bảo hiểm để hợp lý hóa ngày tai nạn, thay đổi tình tiết, tạo hiện trường giả, khai tăng số tiền tổn thất, lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần, cố ý gây tai nạn.
Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông không có lỗi của lái xe, nhưng để có tiền bồi thường và hòa giải cho nạn nhân, lái xe phải “làm việc” với cơ quan hành pháp, y tế để xin có “lỗi” và hồ sơ bệnh án “đẹp”…”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Marketing, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện cho biết.
Cũng theo bà Vân Anh, hiện tượng người được bảo hiểm thông đồng, cấu kết với những bên liên quan để làm sai lệch hồ sơ vụ việc diễn ra khá phổ biến và khó bị phát hiện. Không những thế, có những nhân viên, đại lý bảo hiểm cũng tiếp tay cho chủ xe gian lận.
Hoặc đối với sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, khách hàng thường xuyên bắt tay với các bác sỹ để làm khống hồ sơ bệnh án, ghi thêm tiền mua thuốc, tăng dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp khác để tăng số tiền bồi thường. Nhiều người sau khi phát hiện bị mắc bệnh, sau đó mới đăng ký mua bảo hiểm, sau đó, làm thủ tục để đòi tiền bồi thường.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ước tính, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm vào khoảng 15% tổng mức bồi thường. Đại diện các đơn vị bảo hiểm đều cho rằng, hiện tượng gian lận, trục lợi bồi thường bảo hiểm tuy rất phổ biến và đang biến tướng thành một dạng tội phạm có tổ chức nhưng doanh nghiệp bảo hiểm lại không nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của một số cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm.
Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Thu Hiền - Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II chia sẻ, khi thêm tội danh trục lợi bảo hiểm vào BLHS thì cần sửa đổi hoặc bổ sung thêm các biện pháp chế tài vào Luật KDBH, nếu không sẽ gây ra xung đột pháp luật. Bởi, cùng là hành vi gian dối, giả mạo tài liệu trong hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường, Luật KDBH quy định biện pháp chế tài chỉ là xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó BLHS thì là hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù.
“Ngoài ra, khi luật hóa tội phạm đối với hành vi trục lợi bảo hiểm, cần đảm bảo rằng mức độ chế tài hình sự phải nghiêm khắc, tương đương với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì hai hành vi này là như nhau”./.
Hà Giang