• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Muốn chim về đậu thì đất phải lành”

Thời sự 11/02/2016 08:15

(Toquoc)-“Muốn chim về đậu thì đất phải lành, muốn thu hút nguồn chất xám kiều bào thì phải tạo được môi trường làm việc hấp dẫn..."

(Toquoc) – “Muốn chim về đậu thì đất phải lành, muốn thu hút nguồn chất xám kiều bào thì phải tạo được môi trường làm việc hấp dẫn để họ cống hiến và phát huy năng lực của mình”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc.



Chủ tịch nước gặp kiều bào về dự Xuân quê hương 2016

-Xin Thứ trưởng nhận định về tiềm năng chất xám của kiều bào?

Ông Vũ Hồng Nam: Cha ông ta có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” với ý nghĩa coi trọng tài năng, tri thức của con người, coi đây là tài sản, vốn quý và sức sống của dân tộc. Chính vì vậy, tiềm lực tri thức, chất xám của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được coi là nguồn lực vô cùng quý giá của đất nước, của dân tộc.

Ước tính có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm hơn 10% cộng đồng, có trình độ đại học trở lên, chủ yếu ở các nước phát triển.

Tại Mỹ, 19,5% người Việt có trình độ đại học, tiến sỹ khoa học là 0,5%; Tại Pháp, hiện có khoảng 40.000 trí thức người Việt; Tại Canada và Úc là hơn 30.000 người; Tại Nga và Đông Âu là 10.000 người…

Rất nhiều người Việt làm việc ở nhiều lĩnh vực công nghệ mới, khoa học mũi nhọn của nước ngoài như: Khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo…hay trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…

Tên tuổi nhiều nhà khoa học Việt và gốc Việt đã được đính trên “bảng vàng” của thế giới: giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng Field được coi như Nobel toán học, giáo sư Lưu Lệ Hằng với giải thưởng vật lý thiên văn Kavli được xem như Nobel thiên văn học, Phó Giáo sư Nguyễn Đức Khương ở Pháp, được Dự án RePec bầu chọn đứng thứ 12 trong tốp 200 nhà kinh tế toàn thế giới và gần đây nhất 4 nhà khoa học Việt đã được Reuters Thompson xếp vào danh sách Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015 gồm giáo sư Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ), giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), giáo sư Võ Văn Ánh (Đại học Công nghệ Queensland, Australia) và phó giáo sư Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Y Khoa CMU Taichung, Đài Loan).

Họ được tiếp cận với nền văn minh, khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại, nắm bắt xu hướng phát triển mới của thế giới. Với ảnh hưởng ngày càng tăng đối với chính quyền sở tại, kiều bào đã tham gia lobby thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... cũng như tích cực chuyển giao tri thức thông qua nhiều hoạt động phong phú như tham gia trực tiếp giảng dạy, biên soạn giáo trình; cung cấp thông tin, tài liệu, kinh nghiệm; làm việc trong các dự án hợp tác…

Nói chung, đại đa số trí thức Việt kiều, dù sống xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hoá, luôn hướng về Tổ quốc…



Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam

-Nguồn lực chất xám của kiều bào rất lớn nhưng dường như chúng ta chưa khai thác triệt để. Vậy đâu là nguyên do, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Nam: Trước tiên tôi xin khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ trí thức kiều bào, có chính sách thu hút, phát huy nguồn lực trí tuệ, kêu gọi lòng yêu nước hướng về quê hương và khuyến khích vật chất, tinh thần đối với trí thức kiều bào.

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và gần đây nhất là Chỉ thị 45 của Ban bí thư nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 36 nhấn mạnh việc vận động, phát huy khả năng đóng góp của trí thức kiều bào.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đã ban hành các chính sách, pháp luật khuyến khích và tạo điều kiện để trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc…

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng trí thức kiều bào về Việt Nam làm việc lâu dài chưa như mong muốn, chủ yếu dưới hình thức tham gia giảng dạy theo từng khóa học, thuyết trình…

Có rất ít chuyên gia đầu ngành về nước, ngay lĩnh vực giáo dục đại học là nơi thu hút đông nhất sự trở về của trí thức Việt kiều nhưng thực tế hiện nay là quá ít, chỉ trên dưới 100 người.

Khu vực doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về chất xám cũng có nhiều trí thức Việt kiều muốn tham gia nhưng đến nay, các bên đều chỉ mới dừng ở bước thăm dò chủ trương, chính sách và chờ đợi thời cơ.

Và nguyên do, theo tôi, là môi trường khoa học và nhận thức của chúng ta về kiều bào. Nhận thức của một số địa phương, bộ ngành còn khác nhau. Chính từ nhận thức dẫn đến việc thực thi chính sách trong nhiều trường hợp còn chưa đúng, chưa thực sự cởi mở, thông thoáng nên chưa tranh thủ được nhiệt huyết của bà con ngay từ những tiếp xúc đầu tiên.

Và thủ tục hành chính còn chưa tương thích với mặt bằng của các nước cũng là nỗi phiền toái đối với bà con Việt kiều làm giảm nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước…

Cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận các cơ chế, chính sách đã ban hành còn thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh để thu hút trí thức kiều bào.

Từ đó dẫn đến trí thức kiều bào do dự khi về nước còn do thiếu một môi trường làm việc thích hợp, một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, điều kiện sống, làm việc và học tập cho chuyên gia, trí thức NVNONN và gia đình, con em họ khi về nước làm việc…

-Vậy xin ông cho biết chúng ta cần làm gì để thu hút hơn nữa chất xám của kiều bào trong thời gian tới. Năm 2016, UBNN về NVNONN đã có kế hoạch gì cho công tác này?

Ông Vũ Hồng Nam: Tôi cho rằng, muốn chim về đậu thì đất phải lành, muốn thu hút người tài thì phải tạo được một môi trường làm việc hấp dẫn để họ được cống hiến và phát huy năng lực của mình.

Chúng ta đã có chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các quy định cụ thể của Chính phủ và đã triển khai các hoạt động, biện pháp tích cực nhằm thu hút “hiền tài” cho sự nghiệp “chấn hưng đất nước”.

Theo tôi, để phát huy tốt hơn nữa vai trò và nguồn lực của trí thức kiều bào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ta cần giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như đã nêu ở trên, hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đối xử bình đẳng trên mọi phương diện; Xây dựng chính sách trọng dụng và trọng đãi song song, hình thành cơ chế và điều kiện để huy động các trí thức Việt kiều, các doanh nhân trí thức hợp tác với trong nước; Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức Việt kiều…

Mặt khác, cũng cần đa dạng hóa các hình thức tranh thủ trí thức kiều bào, như trao đổi từ xa, áp dụng các phương tiện thông tin liên lạc công nghệ cao để tổ chức trao đổi ý kiến, mà bà con không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam. Vừa qua, ta đã tranh thủ rất tốt trí thức kiều bào góp ý vào các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng XII.

Năm 2016, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức các hoạt động thường niên nhằm tiếp tục vận động cộng đồng, trong đó có đội ngũ trí thức hướng về đất nước, UBNNVNVNONN sẽ đẩy mạnh công tác tham mưu chính sách, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án “Chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng đất nước”; Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề cho các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài…

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng tôi sẽ chủ động thông qua các hình thức khác nhau để trao đổi và lấy ý kiến của bà con trong quá trình đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

-Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ