• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Muốn giữ di tích phải nghĩ đến cái lợi của người dân trước

Thời sự 12/07/2013 14:20

Câu chuyện người dân phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) và trước đó là Đường Lâm (Hà Nội), muốn trả lại danh hiệu di tích quốc gia, khiến người ta phải nhìn lại vấn đề phát triển và bảo tồn. Việc so sánh từ di sản Hội An sẽ đem lại những bài học cần thiết, để việc công nhận di sản, di tích không chỉ để cho có danh!

Câu chuyện người dân phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) và trước đó là Đường Lâm (Hà Nội), muốn trả lại danh hiệu di tích quốc gia, khiến người ta phải nhìn lại vấn đề phát triển và bảo tồn. Việc so sánh từ di sản Hội An sẽ đem lại những bài học cần thiết, để việc công nhận di sản, di tích không chỉ để cho có danh!

Đồng Văn: Nhà cổ xuống cấp từ lâu



Bà Nguyễn Thị Toán - Phó GĐ Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang - cho biết, phát biểu cho rằng một số hộ dân ở Đồng Văn muốn trả lại di tích mới chỉ là của cá nhân đồng chí Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, tỉnh chưa nhận được đơn thư chính thức của bà con. Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của nhà cổ ở Đồng Văn là có thật, và xuống cấp từ trước khi phố cổ được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (tháng 11.2009). 



Quần thể nhà và chợ cổ ở trung tâm thị trấn Đồng Văn được xây từ đầu thế kỷ 19, là nơi sinh sống của người Tày, người Mông, Hoa, Nùng... Ở đây hiện còn khoảng 40 ngôi nhà cổ tuổi đời trên dưới 100 năm, nhưng nhà cổ còn nguyên vẹn có gần 20 hộ, mà nhiều tuổi nhất là nhà của gia đình ông Lương Huy Ngò, nhà bà Tân đã gần 300 năm, còn các nhà khác đã ít nhiều có cải tạo. Đặc trưng của nhà cổ ở Đồng Văn là nhà trình tường, mái lợp ngói máng địa phương, khung bằng gỗ lim, gỗ nghiến, nép vào vách đá, phù hợp với phong thủy và thời tiết địa phương.



Theo ông Nguyên Bình - Chi hội trưởng Chi hội VHNT Đồng Văn - trải qua thời gian, một số nhà cổ ở đây đã xuống cấp trầm trọng, tường đất bị vỡ, mái ngói, cột kèo mục, đe dọa sập. Lâu nay, người dân đã bức xúc, muốn sửa chữa nhà, nhiều gia đình ở chật chội, muốn xây mới nhà ngay trên nền đất đang sinh sống và đề nghị được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, ngân sách huyện eo hẹp, ngân sách tỉnh, trung ương cho di tích quốc gia chưa thấy đâu. 


Nhà cổ ở Đồng Văn. Ảnh: Nguyên Bình



Từ năm 2012, Sở VHTTDL Hà Giang đã hoàn thành việc lập dự án bảo tồn phố cổ Đồng Văn trị giá 60 tỉ đồng và đang chờ tỉnh phê duyệt. Phó GĐ Sở VHTTDL Nguyễn Thị Toán giải thích, việc phê duyệt này bị chậm trễ bởi đây là dự án mới, không được ưu tiên, theo như tinh thần Chỉ thị 1792 của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư công. Tuy nhiên, để bảo tồn các nhà cổ xuống cấp trầm trọng, Sở đã đề nghị khoản ngân sách 2,9 tỉ đồng từ các nguồn khác nhau. Chủ trương của sở là sẽ họp các hộ dân  để xác định nhóm ưu tiên cần bảo tồn khẩn cấp và sẽ phân bổ nguồn vốn này cho các hộ đó trên cơ sở đồng thuận.



Là người gắn bó với Đồng Văn, ông Nguyên Bình cho rằng, điều thuận lợi là  người dân ở đây đều đồng tình bảo vệ khu phố cổ, giữ lại nét văn hóa riêng của họ, tuy nhiên, cần có sự giúp đỡ của Nhà nước thì khu di tích ở đây mới có thể được bảo tồn. “Điều quan trọng là làm sao để người dân được hưởng lợi từ di tích, mà điều đó thì hầu như người dân chưa thấy - ông Bình nhấn mạnh.  



Bài học Hội An



Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hội An cũng từng lâm vào tình trạng người dân từng nhất loạt muốn trả lại bằng di tích quốc gia cho Nhà nước, vì nó không mang lại lợi ích thiết thân nào, ngoài sự bất tiện khi chủ nhân muốn cơi nới, hoặc “hiện đại hóa” phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thường nhật. Hơn 1.100 di tích trong khu phố cổ là con số không hề nhỏ, chỉ cần “gật đầu” cho người này, thì lập tức người kia cũng sẽ đập phá tanh bành để “nâng cấp” lên nhà cao cửa rộng ngay. Vì vậy, dù chịu đựng trăm ngàn “tiếng bấc, tiếng chì”, nhưng chính quyền Hội An vẫn kiên trì không cho phép bất kỳ một sự phá dỡ, cải tạo nào kể cả trong và ngoài di tích kiến trúc.



Sau “Báo cáo số 1” của kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowsky (Kazic), vào khoảng năm 1980, gửi cho Ủy ban Di sản Ba Lan miêu tả về “giá trị hiếm có” của phố cổ Hội An, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng tổ chức đo vẽ, kiểm đếm chặt chẽ trên từng di tích và kiên quyết xử phạt nặng nề bất cứ hành vi xâm hại nào.



Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, lúc đó là Chủ tịch UBND thị xã - nhớ lại: “Chúng tôi biết người dân Hội An thuần hậu, sống có trước có sau, không bao giờ nỡ hủy hoại di sản của ông cha mình, tuy vậy chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn nguyên vẹn di tích khu phố cổ là làm cái gì, trước hết cũng phải nghĩ đến cái lợi của họ trước”.



Sau “Hội thảo quốc tế Hội An năm 1985” do Nhật Bản tổ chức, Hội An đã ít nhiều được du khách trên thế giới chú ý. Qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, chính quyền Hội An đã ra sức quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, hiếm có của khu phố cổ Hội An. Đặc biệt, sau năm 1999, khi khu phố cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, du khách trong, ngoài tìm đến càng nhiều và Hội An kiên định chọn hướng đi dịch vụ du lịch cho nền kinh tế địa phương.



Phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế có kinh nghiệm, chính quyền đã tổ chức tập huấn rất nhiều khóa học, hướng dẫn cho người dân cách làm du lịch cộng đồng. Mặt khác, nhiều chính sách nhằm mang lại cái lợi cho người dân như miễn - giảm thuế, hỗ trợ chi phí trùng tu di tích từ 30% đến 100% khuyến khích người dân càng tham gia cùng Nhà nước bảo vệ di tích ngày càng chặt chẽ. 



Ngược với thái độ trước đây, bây giờ chủ nhân nhiều ngôi nhà trong khu phố cổ đã sửa chữa thành hiện đại thì nay bỏ tiền xin phép Nhà nước trùng tu, trả lại nguyên trạng để tổ chức kinh doanh, hoặc xây dựng điểm tham quan. Trong nhiều năm qua, Hội An đã trở thành điểm đến cho du khách mà hiện nay là một điển hình của UNESCO cho toàn thế giới về sự chung sống hòa bình giữa di tích và con người sống trong đó.

Theo Lao Động

NỔI BẬT TRANG CHỦ