(Tổ Quốc) - Nhiều người đang có tâm lý e dè về việc tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19. Xin hãy gạt bỏ ngay suy nghĩ này bởi cho đến nay, chưa có một quốc gia, châu lục nào phủ nhận thực tế tiêm chủng vắc xin là giải pháp căn cơ nhất để bảo vệ con người khỏi sự đe dọa của bệnh dịch này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.
Trước đó, làm việc với Bộ Y tế vào ngày 15/5, Thủ tướng cũng đã lưu ý Bộ "phải tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng, chất lượng vaccine, vấn đề thanh toán, tiến độ…".
Có thể thấy rằng, do mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên cao nhất nên Thủ tướng đã liên tục đôn đốc, nhắc nhở việc mua vắc xin để tiêm chủng cho người dân.
Tính đến 16 giờ ngày 14/5/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid - 19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với 969.697 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 21.042 người.
Điều đáng nói ở đây là nhiều người đang có tâm lý e dè về việc tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19. Những phản ứng thông thường sau tiêm như: đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, chóng mặt, đau cơ … rồi đến trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 như trường hợp xảy ra tại An Giang mới đây càng khiến nhiều người dân bị"tâm lý".
Xin hãy gạt bỏ ngay suy nghĩ này bởi cho đến nay, chưa có một quốc gia, châu lục nào phủ nhận một thực tế rằng tiêm chủng vắc xin chính là giải pháp căn cơ nhất để bảo vệ con người khỏi sự đe dọa của Covid.
Theo số liệu được Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra, đã có khoảng 59% người Mỹ trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, và có khoảng 45% đã tiêm đủ hai liều.
Hôm 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Vườn hồng bên trong Nhà Trắng: "Hôm nay là một ngày trọng đại của nước Mỹ trong cuộc chiến dai dẳng đối phó với Covid-19" khi ca ngợi chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Mỹ là một "thành tựu mang tính lịch sử".
Phát ngôn của ông Biden được đưa ra sau khi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ra thông báo dỡ yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với những người đã tiêm chủng đủ liều vắc xin ngừa Covid-19. Thông báo đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến đối phó Covid-19 ở tâm dịch lớn nhất thế giới.
CDC cho biết, vắc xin đã cho thấy hiệu quả kháng các biến chủng của virus SARS-CoV-2 và người đã tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ lây bệnh cho người khác rất thấp.
Có thể nói, với nước Mỹ, đây là niềm vui chưa từng có kể từ ngày bị "bóng ma" Covid-19 bao trùm, ám ảnh.
Còn ở châu Âu, những ngày trung tuần tháng 5/2021, trong các cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn mỉm cười nhắc đi nhắc lại: "Chúng ta cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra cùng thời điểm, Thủ tướng Merkel cũng nói với những người đồng cấp châu Âu rằng Đức "dường như đã phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ 3".
Kết quả này có được một phần là do người dân châu Âu đã ý thức hơn được việc tự bảo vệ bản thân, và quan trọng là nhờ có vắc xin.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, không giấu nổi vui mừng khi hé lộ tại một cuộc họp báo ngày 29/4 rằng: "Cho đến nay, khoảng 16% dân số châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên. Nơi nào tỷ lệ tiêm chủng ở các nhóm nguy cơ cao nhất thì nơi đó tỷ lệ nhập viện giảm và tỷ lệ tử vong giảm".
Đến nay, nước Anh đã đạt 27% dân số tiêm đủ mũi, tiếp đến là Hungary (gần 26%), Malta (25%)... Sau Anh, Đức với 34,4 triệu mũi và Pháp 25,4 triệu mũi…
Rõ ràng, những biến chuyển tích cực từ Mỹ, từ châu Âu liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông đã cho thấy một thực tế là vắc xin và tiêm chủng là giải pháp căn cơ, lâu dài nhất, hiệu quả nhất trên hành trình phòng, chống Covid.
Trước đó, các chuyên gia trên thế giới đều đã lên tiếng khẳng định rằng, vắc xin là an toàn, để được đưa vào sử dụng, tất cả các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới đều phải nghiên cứu để đảm bảo tính an toàn và hiệu lực, cũng như trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Về phản ứng sau tiêm, tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, sẵn sàng xử lý những trường hợp xảy ra phản ứng không mong muốn.
Những ngày này, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang xảy ra tại Việt Nam với diễn biến vô cùng phức tạp. Mỗi ngày cả nước có vài chục ca mắc mới, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ với tốc độ lây lan rất nhanh, một số trường hợp F1 đã trở thành F0.
Thực tế cấp bách đến mức Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh:phải "chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất". Để phòng ngự, cần phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng.
Có thể hiểu rằng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm khắc thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) thì tiêm vắc xin là giải pháp tốt nhất để chúng ta chiến thắng Covid.
Vì thế, với những người đang có tâm lý e dè về việc tiêm vắc xin phòng, chống Covid - xin hãy xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực ấy, bởi Việt Nam không thể là một ốc đảo của thế giới nếu chúng ta do dự./.