Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng, là một trong những thể loại hay nhất trong kho tàng dân ca các dân tộc Cao Bằng
Có thể nói, văn hóa dân gian dân tộc Nùng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, trong kho tàng ấy, dân ca giữ vị trí trung tâm. Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng, là một trong những thể loại hay nhất trong kho tàng dân ca các dân tộc Cao Bằng. Trong đó có một số làn điệu đắc sắc, như: Lượn Nàng ới, Dá hai, Pựt lằn...
Hát giao duyên của người Nùng xã Phúc Sen (Quảng Uyên)
Lượn Nàng ới, tiếng Nùng Inh còn gọi là “Lịn thại”, được thanh niên nam, nữ say mê hát. Các câu hát tùy thuộc vào tình huống, có câu dài, câu ngắn, lời ca bóng bẩy, mượt mà, hình ảnh trong sáng cuốn hút lòng người. Lượn Nàng ới có lối hát theo trình tự nhất định. Mở đầu cuộc lượn có các bài hát làm quen, chào mời qua các bài: Lượn báo cho đối phương biết, lượn mời hát, lượn ca ngợi làng xóm, ngợi ca giọng hát “mồm khôn mồm khéo”, “hát về đằng ấy”. Tiếp theo đó là lượn về tình yêu: Hát tình, hát yêu, hát hoa, hát về nhà cửa, hát cưới xin, hát đi chợ, hát về vầng trăng sáng như gương soi. Sau đó, người ta lượn đi các tích truyện cổ như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Kết thúc cuộc lượn là khúc hát giã bạn, lúc ấy gà đã cất tiếng gáy đón ánh bình minh. Các chàng trai mở đầu bằng tiếng gọi trìu mến ngọt ngào từ trái tim “Nàng ới”, còn chị em hát như có chút e dè hơn, tế nhị hơn nên mở đầu là “Làng ới”. Nếu lượn một đêm chưa đã, họ mời nhau lượn tiếp hôm sau. Lượn Nàng ới có thể hát đối đáp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như trên đường đi chợ, lên rừng hái sa nhân, mộc nhĩ, nấm hương, đi trẩy hội hè..., thấp thoáng thấy người khác giới, chàng (hoặc nàng) cất ngay giọng hát. Họ ứng tác tại chỗ rất linh hoạt, lời ngọt tựa mật ong rừng, ngây ngất men say. Nhiều đôi hát phải lòng nên duyên, kết tóc trăm năm.
Dá Hai là loại hình nghệ thuật diễn xướng Tuồng truyền thống trên sân khấu của người Nùng ở các huyện miền Đông. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, cùng với phong trào ca hát quần chúng nở rộ, xuất hiện nhiều đội tuồng Dá hai của nhân dân, như: Đội tuồng Dá hai Giảng Gà, xã Đình Phong; Đội tuồng Dá hai Phja Hồng, xã Khâm Thành; Đội tuồng Dá hai xã Thông Huề của huyện Trùng Khánh; Đội tuồng Dá hai Thị trấn và Háng Thoong, xã Ngọc Động, Đỏng Pán, xã Độc Lập của huyện Quảng Uyên; Đội tuồng thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh; Đội tuồng thị trấn Thanh Nhật, Bản Đẩy, xã Thái Đức; Bản Thuộc, xã Đồng Loan; Bản Xà, xã Thắng Lợi; phố Bằng Ca, xã Lý Quốc; Bản Thầng xã Minh Long, huyện Hạ Lang. Các đội này đã đi lưu diễn nhiều nơi ở địa phương và trong tỉnh. Với 6 làn điệu chủ yếu, hòa cùng các nhạc cụ: nhị bố giọng trầm ấm áp, nhị mẹ giọng thanh cao, chũm chọe, sáo trúc, trống bỏi gõ nhịp hòa tấu; Dá hai đã có thể biểu đạt một cách sinh động, sắc nét nhiều nội dung, chủ đề, tình tiết khác nhau trong xã hội. Đồng thời, diễn xướng các tích truyện cổ, như: Phạm Tải - Ngọc Hoa, Hoa Mộc Lan tòng quân, Hoa phù dung, Tống Trân - Cúc Hoa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài… Giai điệu khúc tứ Dá hai uyển chuyển mềm mại, réo rắt, lắng sâu, rồi lại vút lên miên man theo cốt truyện và trạng thái tâm lý của nhân vật, cuốn hút khán thính giả và đông đảo công chúng mê say. Dá hai cổ truyền, một vở diễn hoàn chỉnh phải sử dụng hết các làn điệu, thậm chí phải lặp đi lặp lại nhiều lần theo trạng thái tình cảm nhân vật. Sáu làn điệu là: Phìn tiảo, Thán tiảo, Sai vá, Hý tiảo, Thiều tiảo, Sấu pán.
Pựt lằn với nhịp điệu nhanh, khoan thai, tâm hồn khoáng đạt như người cưỡi ngựa ngao du trên đường thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên giàu đẹp hay là các bà then, ông giàng phi ngựa vượt qua muôn trùng núi non hiểm trở bay lên trời cầu phúc, cầu lộc. Làn điệu Pựt lằn phản ánh được nội tâm cốt cách và nhiều lĩnh vực sinh hoạt đời sống của con người cả về mặt tâm linh. Pựt lằn lưu truyền trong dân gian từ lâu, theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Lượn Phủ thường quen gọi là Hà lều, dựa theo vần cuối câu có vĩ thanh kéo dài: Hà lều, hêu đai, hà đới. Thể lượn này vốn là của người Nùng lòi gốc xưa ở Hạ Lôi (Quảng Tây, Trung Quốc). Nay phổ biến khắp các huyện miền Đông và một phần lãnh thổ phía Đông của huyện Hòa An. Lượn Phủ hát đôi mỗi bên hai nam, hai nữ, khi hát họ lấy khuỷu tay chống bịt một tai để tập trung nghe giọng bạn mình cùng hát có thành bè hòa âm hợp lý chưa mà tự điều chỉnh ngay. Cả hai giọng đồng xướng, cách nhau một quãng, xoắn xuýt nâng đỡ nhau đến cuối câu. Họ ứng tác tại chỗ, mỗi câu bảy chữ, câu trên kết vần bằng thì câu dưới về vần trắc. Lượn Phủ có hai thể: Thể thông thường 14 chữ hai câu; thể thứ hai là lượn tặc, lượn lặn có láy đi láy lại bốn câu: Câu đầu năm chữ, hai câu giữa ba chữ, câu cuối bảy chữ. Nội dung của Lượn Phủ là hát giao duyên giữa thanh niên nam, nữ, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người Nùng, tại các chợ phiên, trong lễ hội, hoặc đi đường gặp bạn bè khác giới là có thể lên tiếng. Khi nghiên cứu về Lượn Phủ, ta thấy có hai dạng rõ nét, đó là lượn Pài và lượn Khính. Lượn Pài là dạng lượn có bài bản, tình tứ. Còn lượn Khính mang nội dung đua tài, mang hàm ý khích để bên kia hát đáp, vào cuộc. Khi một mình, người ta cũng cất tiếng lượn bởi tức cảnh hoặc bộc bạch tâm hồn cho vơi đi nỗi nhớ người yêu, kiểu hát ấy gọi là hát một vế, không cần ai đối đáp.
Sli Giang, bản thân tên gọi đã cho ta thấy, làn điệu này là của người Nùng Giang. Người Nùng Giang phân bố chủ yếu ở các huyện: Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng đối diện huyện Tĩnh Tây, Trung Quốc. Hát Sli Giang là hát đôi, hai bên nam, nữ đối đáp nhau. Cùng lúc giọng kim và giọng trầm cất lên hòa quyện nhau, nâng đỡ nhau xoắn xuýt. Sli còn có nghĩa là thi, là thơ, tài Sli hát xướng nâng cao bài thơ. Sli Giang có cấu trúc thơ thất ngôn tứ tuyệt, chữ cuối câu một, câu hai, câu bốn cùng vần, chữ cuối câu ba vần trắc gieo vào chữ thứ tư câu cuối; nhưng niêm luật không quá chặt chẽ. Tài Sli Giang nghe rất rõ lời, rõ vần gieo làm cho người nghe thích thú, khoái cảm, không muốn rời xa. Sli Giang chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no, hạnh phúc. Họ hát ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, gặp nhau trong lao động sản xuất, mừng nhà mới... Khi gặp nhau, bên nam hoặc bên nữ cất tiếng hát Sli mời. Có ít nhất hai khúc hát mời trở lên, đối phương mới đáp. Khúc đáp vận theo khúc mời. Khúc mời thường có bốn câu, khúc đáp không cứ như vậy, có khi chỉ hai câu. Sau khi nhập cuộc, đôi bên tỏ tình hát giao duyên, đó là phần thể hiện chủ yếu với thời gian dài hơn cả. Kết thúc cuộc Sli họ hát giã bạn, hẹn gặp lại nhau với tình cảm nồng nàn, da diết.
Sli La Hòi, là điệu Sli người Nùng La Hòi, dành cho thanh niên nam nữ hát giao duyên. Người La Hòi chủ yếu cư trú ở Phục Hòa, đối diện với huyện Long Châu (Trung Quốc). Về nội dung và không gian thể hiện thì Sli La Hòi cơ bản như Sli Giang. Nhưng làn điệu khác nhau, gieo vần từ ngữ và thể thức hát khác nhau. Sli La Hòi hát đơn đối đáp chứ không hát đôi.
Xà xá là điệu hát người Nùng Giang, người Nùng Giang ở đâu thì có làn điệu đó. Xà xá có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp ca hay đồng ca. Xà xá gốc từ ngoạn xả mà ra, có nghĩa là du ngoạn và giải trí, vui vẻ. Mỗi năm, xuân về, trai gái trong làng bản rủ nhau đi chơi, cầu may lấy lộc. Trước lúc khởi hành, họ tập trung trước Thổ công (Thành hoàng) dâng rượu, dâng trà, hát tụng mong được Thành hoàng phù hộ cho vạn sự như ý. Sau câu hát lại khua một hồi trống chiêng náo nhiệt. Câu mở đầu có hai từ Xà xá, lâu dần quen gọi thành tên làn điệu. Xà xá thường hát hai câu một theo thể thất ngôn nhị cú, giai điệu bay bổng trữ tình, bày tỏ tình cảm giao lưu mặn mà hay tình yêu nam nữ. Họ có thể ứng tác tại chỗ và hát với nhau say sưa.
Trong cuộc sống, lao động sản xuất, các thể loại dân ca của người Nùng Phúc Sen đã được hình thành lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là làn điệu Hèo phưn (nghĩa là mời gọi bạn cùng hát). Đây là làn điệu hát đôi, một giọng cao luôn chủ động “dẫn đường” về tiết tấu, cao độ, trường độ, đúng nhịp, luyến láy; còn giọng thấp hòa theo nâng đỡ như trợ sức vươn cho giọng cao. Lời Hèo phưn theo thể cổ phong, lối thơ không quá khắt khe với niêm luật mà chủ yếu là ý tứ đậm đà, đằm thắm. Khổ thơ theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt. Hèo phưn mượt mà, sâu lắng, thiết tha gọi mời, luôn được bay vút lên, trải dài miên man theo đồi núi, làm đẹp bản làng, vừa lòng du khách trong các lễ hội, đám cưới, hội chợ, chúc thọ, hát giao duyên, mừng nhà mới, cầu mùa... Một số bài hát có tiếng của Hèo phưn: Khúc hát Thanh minh, Mời rượu, Tháng tư, Mùa thu, Mừng nhà mới, Mừng thọ, Mười hai con giáp. Thể loại hát danh tiếng này biểu đạt tấm lòng thủy chung son sắt, tình nghĩa sâu xa mặn nồng, mến khách của người Nùng An Phúc Sen, đến nay vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn.
Lượn Slam Khót của người Nùng Khen lài: Một cuộc hát giao duyên Slam Khót có ba chặng. Chặng mở đầu, mục đích là mời nhau hát, gồm: Sli xỉnh, Sli tóp, Lượn xỉnh (chúc mừng, chào hỏi, làm quen); chặng thứ hai là nội dung chính, dài hơi nhất, gồm: Sli kến, Lượn kến, Sli tổ, Sli tích (Sli kết, Lượn kết, Sli đố, Sli các tích chuyện xưa); chặng thứ ba từ giã nhắn nhủ hẹn gặp lại, gồm: Sli piảc, Lượn piảc (Sli chia tay, Lượn giã bạn). Lượn Slam Khót còn có tên là Lượn Nộc Gát (loài chim đẹp có đuôi dài, hơi giống chim công, có ý ví Slam khót như chim Nộc Gát). Slam Khót còn ám chỉ cấu trúc của thể lượn này là mỗi tứ ba câu, mỗi câu bảy chữ. Slam Khót còn có hàm ý là ba nút thắt. Khi nghe giai điệu Slam Khót ta nhận thấy giọng điệu cuối câu đang vút dài man mác bỗng ngắt đột ngột như thắt nút, rất lạ tai và dĩ nhiên càng nghe càng hay. Slam Khót đặc thù về cấu tứ và cả giai điệu.
Này sli là làn điệu dân ca của dân tộc Nùng Cháo (cũng có người nói là dân ca Nùng Khen lài). Này sli phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Nùng với nhiều chủ đề khác nhau, phong phú, đa dạng. Với giai điệu êm ái, lắng dịu, Này sli còn là làn điệu dành cho tình yêu đôi lứa hát giao duyên để đến với nhau trong các lễ hội mùa xuân và trong cuộc sống thường ngày hoặc kể cho nhau về một câu chuyện, hay tự sự với chính mình để bộc bạch tâm tư tình cảm. Làn điệu Này sli theo thể thơ thất ngôn trường thiên.
Dân ca Nùng mượt mà đằm thắm, câu cú gọn, cấu trúc mạch lạc làm cảm hóa lòng người và là “mảnh đất màu mỡ” cho sự sáng tạo, nâng cao tác phẩm của các nhạc sỹ, những người làm công tác nghệ thuật trên sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp.
Lê Chí Thanh
(Nguồn: Báo Cao Bằng)