(Cinet)- Hội thảo 70 năm Mỹ thuật Việt Nam (1945 - 2015) diễn ra ngày 16/9 tại Hà Nội là sự kiện đáng chú ý nhằm nhìn nhận lại chặng đường phát triển của Mỹ thuật Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
(Cinet)- Hội thảo 70 năm Mỹ thuật Việt Nam (1945 - 2015) diễn ra ngày 16/9 tại Hà Nội là sự kiện đáng chú ý nhằm nhìn nhận lại chặng đường phát triển của Mỹ thuật Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
Có thể nói rằng, năm 1945 là bước ngoặt lịch sử, mở ra trang mới cho Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Những diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng đã cuốn hút các văn nghệ sĩ trẻ Thủ đô. Ở thời điểm đó, những họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng… đã suốt đêm phác hình, bôi mầu, căng toan vẽ tranh cổ động dựng ở vườn hoa Chí Linh, quanh hồ Hoàn Kiếm, trên các ngã tư phố Tràng Tiền, trước cửa Nhà hát Lớn. Cả giới mỹ thuật dường như bị cuốn hút vào thể loại vẽ tranh cổ động biểu thị ý chí toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc với nhiều chất liệu khác nhau. Những tác phẩm này đã hướng mỹ thuật Việt Nam vào con đường mới, với nhân sinh quan cách mạng.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1954, giới mỹ thuật có điều kiện tập trung về thủ đô Hà Nội, họ đã tổ chức một cuộc triển lãm thực sự mang tính toàn quốc, là sự tổng kết của mỹ thuật kháng chiến. Cũng trong giai đoạn này, nhiều tổ chức mỹ thuật được thành lập như: Hội mỹ thuật Việt Nam (năm 1957), Viện mỹ thuật - mỹ nghệ (năm 1962)...
Bên cạnh các thể loại sơn dầu, lụa, đồ họa, điêu khắc, chất liệu sơn mài trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng được các họa sĩ thể hiện rất thành công. Điều đó cũng phần nào đóng góp cho nền mỹ thuật càng thêm phong phú. Trên toàn quốc đã mở nhiều cuộc triển lãm như: Triển lãm chào mừng đại hội lần thứ III của Đảng (1960), triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1963), với những tác phẩm khiến người xem nhớ mãi: "Hành quân trong rừng" (Nguyễn Khang), "Nam kỳ khởi nghĩa" (Huỳnh Văn Gấm), "Giờ học tập" (Nguyễn Sáng)…Không những thế, mỹ thuật cách mạng Việt Nam còn tham dự triển lãm ở nước ngoài và giành được cảm tình của nhân dân thế giới như: năm 1956 tại 3 nước Trung Quốc, Triều Tiên, Ma Cao; năm 1959 tại 8 nước Châu Âu…
Một số tác phẩm mỹ thuật trong thời kỳ kháng chiến |
Những thành tựu đó đã làm dấy lên phong trào mỹ thuật ở khắp các mặt trận sản xuất và chiến đấu, các hình tượng nghệ thuật đã được khẳng định và đi vào lịch sử và trở thành nền tảng đầu tiên, góp phần thúc đẩy, làm cầu nối cho một nền mỹ thuật mới ra đời đó là nền mỹ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước.
Con đường phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam khi đất nước thống nhất đã được quan tâm hơn, chú trọng hơn, mở ra một hướng đi lên mạnh mẽ với minh chứng là vô số những cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm được tổ chức, đặc biệt là sự kiện triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức đều đặn năm năm một lần. Đến giai đoạn này, mỹ thuật đã có dấu hiệu của sự chuyển mình từ một nền mỹ thuật gắn bó với chiến tranh sang phản ánh cuộc sống hoà bình và xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó, trong những năm từ sau đổi mới 1986 đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2005 - 2015, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển và những thành tựu nhất định, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng thứ 6 (1986) khẳng định đổi mới chiến lược cách mạng mở cửa đất nước, làm bạn với các nước, chuyển dần sang kinh tế thị trường, mọi người, mọi ngành phải " tự cởi trói " thì mỹ thuật cũng cuốn vào dòng chảy ấy với sự nỗ lực của các cá nhân, tập thể.
thời kỳ sau đổi mới 1986 |
Giờ đây các hoạ sỹ lấy cảm hứng sáng tác từ những chủ đề rất bình dị, chân quê, gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của người dân, làng xóm. Quan niệm về nghệ thuật trở nên đa dạng, dân chủ và mở rộng hơn. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng ngày càng cao và phong phú. Đội ngũ nghệ sĩ và công chúng mỹ thuật ngày thêm đông đảo. Hoạt động hợp tác, trao đổi mỹ thuật, triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật và triển lãm quốc tế phát triển sôi động. Hệ thống các trường đào tạo mỹ thuật hình thành và mở rộng ngành học đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật. Một số di sản mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một đã được nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Các doanh nghiệp mỹ thuật, gallery phát triển đã từng bước góp phần hình thành nên thị trường mỹ thuật. Nhờ đó, mỹ thuật Việt Nam được nhiều công chúng trong nước và quốc tế biết đến, vị trí và uy tín trên trường quốc tế của mỹ thuật Việt Nam được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, mỹ thuật Việt Nam cũng bộc lộ cả những hạn chế, đặc biệt là trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó là việc chưa đồng bộ các văn bản luật, dưới luật, gây khó khăn trong việc tạo hành lang pháp lý cho phát triển mỹ thuật. Ngoài ra, công tác nghiên cứu lý luận, phê bình còn yếu, chưa theo kịp với thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra. Vấn đề giáo dục mỹ thuật trong các trường phổ thông và xã hội còn nhiều bất cập. Nhức nhối nhất hiện nay là nạn sao chép tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả, chính những điều đó đã gây ra bức xúc trong dư luận và làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam.
...và mỹ thuật những năm sau 2000 |
Nhằm góp phần cho sự phát triển của nền mỹ thuật trong thời gian tới, tại Hội thảo 70 năm mỹ thuật Việt Nam lần này, các đại biểu đã đưa ra một số đề xuất và giải pháp như: Gắn sáng tạo mỹ thuật với sự phát triển xã hội, gắn hoạt động mỹ thuật với du lịch để đưa các giá trị nghệ thuật tạo hình của Việt Nam trao đổi với thị trường quốc tế, giữ gìn nguyên vẹn bản sắc dân tộc của mỹ thuật Việt Nam…
Mỹ thuật Việt Nam đã có vạn năm phát triển kể từ văn hoá Hoà Bình. Tuy nhiên, mỹ thuật thời hiện đại là giai đoạn phát triển nhất bởi nó đã làm đẹp cho xã hội, là biểu hiện cho trình độ văn hoá - văn minh, gắn chặt với sự nghiệp phát triển của đất nước. Ngày nay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người ngày càng cao, đòi hỏi mỹ thuật phải tìm ra hướng đi với nhiều sáng tạo, đột phá mới. Dòng chảy 70 năm nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2015 đã làm nên thành công nhất định đồng thời tìm thấy nhiều tài năng, có trường hợp mang dấu ấn quốc tế. Chính vì vậy, việc hy vọng những thành tựu rực rỡ hơn nữa, khẳng định vị trí của mỹ thuật Việt Nam trên con đường hội nhập là điều hoàn toàn có thể.
CN (Ảnh: internet)