• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Myanmar “đủng đỉnh” tái thiết du lịch sau động đất

Du lịch 29/08/2016 16:50

(Tổ Quốc) - Không vội vã, không tự mình làm – là những gì bà Suu Kyi yêu cầu ngành văn hóa khi tu sửa đền chùa bị phá hủy trong động đất  

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi của quốc gia Đông Nam Á - Myanmar vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa và Các vấn đề tôn giáo nước này đừng quá vội vã trong việc sửa chữa và tái thiết các chùa chiền bị phá hủy tại Bagan sau trận động đất gần 7 độ richter hôm 24/8 vừa qua.

Bà Suu Kyi yêu cầu các lãnh đạo của Bộ phải thảo luận vấn đề tu sửa Bagan một cách kỹ càng và cẩn trọng với các chuyên gia từ UNESCO, cũng như lên kế hoạch tái thiết dựa trên sự hỗ trợ về kỹ thuật của tổ chức quốc tế này.

Một khách du lịch đi ngang qua một ngôi chùa bị hư hỏng sau động đất (ảnh: BKP)

Sun Oo, Chủ tịch của Hiệp hối Kiến trúc sư Myanmar cũng chia sẻ cùng quan điểm với bà Suu Kyi khi cho rằng các công việc sửa chữa chùa chiền cần được tiến hành cẩn thận và không thể vội vàng: “Chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc của trùng tu và tu sửa di sản. Trước tiên, chúng ta cần thu thập dữ liệu về các ngôi chùa bị phá hủy, và sau khi đã xác định rõ ràng tình hình hiện tại, chúng ta có thể tiến hành tu sửa các ngôi chùa được ưu tiên trước.”

Kể từ một trận động đất khác xảy ra tại Bagan vào năm 1975, hơn 600 ngôi chùa cổ ở nơi đây đã rơi vào tình trạng bị hư hỏng nặng nề và hầu như không nhận được sự trùng tu cần thiết. Chính điều này, đã khiến cho tiến trình xin công nhận Bagan trở thành một Di sản thế giới của Myanmar gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi không muốn làm giảm giá trị các di sản của mình chỉ vì quá trình trùng tu không cẩn thận,” Sun Oo nói. “Các nhà lãnh đạo trước đây từng tổ chức tu sửa một cách bừa bãi. Bagan không chỉ là di sản của Myanmar mà còn thuộc về cả nhân loại. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hợp tác với các chuyên gia thực sự trong vấn đề này.”

Bagan là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Myanmar (ảnh: booking)

Kể từ đầu năm nay, Liên đoàn Du lịch Myamar đã bắt đầu thu phí vào cửa cho khu vực bảo tồn của Bagan dựa trên một hợp đồng 5 năm do Bộ trưởng Bộ Văn hóa trước đây chỉ đạo. Theo đó, 90% doanh thu từ tiền bán vé sẽ thuộc về chính phủ, 2% dành cho công tác trùng tu chùa chiền và 6% thuộc về Liên đoàn du lịch.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với tờ Thời báo Myanmar, Sun Oo cho rằng, con số dành cho công tác trùng tu tại Bagan là quá ít ỏi. Trong khi kêu gọi sự bình tĩnh và cẩn trọng trong quá trình tu sửa, ông này cũng thừa nhận rằng, có một số ngôi chùa bị hư hỏng nặng nề sau các trận mưa to cần phải được xử lý ngay trước khi mùa mưa mới sắp bắt đầu. Một số ngôi chùa tại đây được “vá víu” tạm bợ với xi-măng, không đáp ứng được các yêu cầu về kết cấu… khiến các vết nứt xuất hiện ngày càng nhiều, Zaw Win Cho, một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại Bagan cho biết.

Có diện tích hơn 100km2 với hơn 3.000 ngôi chùa cổ, thành phố Bagan thường được so sánh với quần thể Angkor Wat (Campuchia) và Borobudur (Indonesia). Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Myanmar. 

(Theo BKP)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ