• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2007: Phim truyền hình Việt Nam sẽ "tăng tốc"?

04/01/2007 08:27

Năm 2006, khán giả màn ảnh nhỏ tiếp tục chứng kiến sự trưởng thành của phim truyền hình Việt Nam. Nhiều hãng phim tư nhân ra đời. Sự cạnh tranh làm thay đổi tư duy lẫn công nghệ của các hãng phim nhà nước. Mong rằng, đó là tiền đề để năm 2007 phim truyền hình Việt tăng tốc, “giành” lại sóng truyền hình đang bị phim Trung Quốc và Hàn Quốc lấn át.

Năm 2006, khán giả màn ảnh nhỏ tiếp tục chứng kiến sự trưởng thành của phim truyền hình Việt Nam. Nhiều hãng phim tư nhân ra đời. Sự cạnh tranh làm thay đổi tư duy lẫn công nghệ của các hãng phim nhà nước. Mong rằng, đó là tiền đề để năm 2007 phim truyền hình Việt tăng tốc, “giành” lại sóng truyền hình đang bị phim Trung Quốc và Hàn Quốc lấn át.

Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) năm 2006 đánh dấu sự vượt trội qua những bộ phim bám sát các vấn đề thời sự xã hội, mạnh dạn “mổ xẻ” vấn nạn tham nhũng, đặc quyền đặc lợi của cán bộ nhà nước trong “Chạy án”, “Hương đất”, “Gió đại ngàn”, “Miền quê thức tỉnh”... Tuy chưa có gì để có thể nói là đột phá, nhưng các bộ phim của VFC vẫn hấp dẫn ở chỗ đã đáp ứng yêu cầu thời sự: đề cập đến sự tha hóa của một bộ phận cán bộ công chức một cách trực diện, sắc sảo. Bằng nhiều tình tiết sắc sảo được trích lọc từ các sự kiện xã hội, các bộ phim này đã vạch ra những hành động sai trái của một bộ phận cán bộ tha hóa; đồng thời mang âm hưởng anh hùng ca khi khắc họa những con người liêm khiết đấu tranh giữ vững sự tin yêu của nhân dân với chính quyền. Những bộ phim này thỏa mãn phần nào tâm lý được xem những bộ phim góc cạnh, chứ không chỉ đơn thuần để giải trí.

Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) năm qua tiếp tục chứng tỏ thế mạnh với những bộ phim tâm lý xã hội hấp dẫn về đời sống kinh tế và truyền thống văn hóa gia đình giữa thời hội nhập. “Hướng nghiệp”, “Hương phù sa”, “Xóm suối sâu”, “Dollars trắng”, “Hoa gió”, “”Nghề báo”, “Miền đất phúc”... thu hút sự chú ý cho khán giả. Điểm đặc biệt của những bộ phim này là các nhân vật chính đều còn trẻ và có tính cách đa chiều, không giấu khát khao làm giàu và vinh danh giữa đời, nhưng cũng luôn đấu tranh cân nhắc để việc tìm kiếm danh lợi của mình không chà đạp lên những giá trị tình cảm khác - thế nhưng, sự chọn lựa của họ không phải lúc nào cũng đúng. Vì vậy, các bộ phim của TFS đã phản ánh được sự đa dạng và phức tạp của xã hội ngày nay, để người xem, nhất là giới trẻ, tự đúc kết những kinh nghiệm cho riêng mình. TFS cũng là hãng phim đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất của các hãng phim truyền hình như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. “Lẵng hoa tình yêu”, “U6&U7”, “Người mẹ nhí”, “Cái bóng bên chồng” là những bộ phim truyền hình được thực hiện bằng công nghệ quay ba máy, thu tiếng trực tiếp và các xây dựng tình tiết theo thủ pháp “hài tình huống” của Hàn Quốc, Hồng Công (còn gọi là công nghệ sitcom). Những bộ phim này được khán giả yêu mến vì những tình huống ứng xử hằng ngày trong gia đình được khéo léo lồng ghép vào những câu chuyện mang tính giáo dục cao. TFS thể hiện sự chuyên nghiệp của mình bằng những bộ phim hướng đến các đối tượng khán giả khác nhau. Như “39O Yêu” dành cho thanh niên mới lớn, “Ngũ quái Sài Gòn”, “Kính vạn hoa” hướng đến tuổi thiếu nhi...

Năm 2006 cũng là năm các hãng phim tư nhân chứng minh sự nhạy bén, sắc sảo của các đơn vị không bị cơ chế ràng buộc. MT Pictures mời Vũ Ngọc Đãng - một đạo diễn rất trẻ - làm một bộ phim rất hợp với tuổi trẻ: “Tuyết nhiệt đới”. Bộ phim này được dư luận đánh giá là tạo cái nhìn mới về phim tình cảm lãng mạn Việt Nam: cốt truyện không cần quá đặc sắc, chỉ cần tài khai thác chi tiết, tình huống, lời thoại của nhà biên kịch và đạo diễn. Đó chính là điểm mà các bộ phim tình cảm lãng mạn của Việt Nam còn thiếu. Còn “Mùi ngò gai” của hãng phim Vifa cho thấy hiệu quả của việc hợp tác toàn diện với Tập đoàn giải trí Hàn Quốc CJ Media - cho ra đời một bộ phim chặt chẽ từ đường dây cốt truyện, đến tính cách nhân vật, quay phim, cảnh trí, hóa trang, ánh sáng... Tuy năm qua Lasta không có những bộ phim được giới phê bình đánh giá cao, nhưng hãng phim này vẫn sản xuất và cho lên sóng đều đều mỗi ngày một tập phim hướng đến khán giả bình dân - một sức làm việc không phải hãng phim nào cũng có được. “Mộng phù du”, “Nhịp đập trái tim”, “Chuyện tình yêu”, “Anh chỉ có mình em”... của Lasta cũng có một đối tượng khán giả nhất định.

VFC và TFS, mỗi hãng năm qua cũng đã sản xuất được 200-250 tập phim. Nếu cộng cả các hãng phim tư nhân cũng được thêm gần 500 tập. Các vấn đề nêu lên trong phim truyền hình ngày càng đa dạng, nhiều chiều hơn. Đó là những tín hiệu đáng mừng của phim truyền hình Việt Nam trong năm 2006. Lạc quan nhất là mỗi hãng phim đều tìm được cho mình một hướng phát triển riêng và khẳng định sẽ phát triển mạnh, nhanh hơn nữa trong năm 2007 này.

(Theo CT)

NỔI BẬT TRANG CHỦ