(Toquoc)- Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân sẽ được hoàn thành vào năm 2010.
(Toquoc)- Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân sẽ được hoàn thành vào năm 2010.
Ngày 24/6/2009, tại Khu di tích Thành cổ Hà Nội, Hội bảo tồn Di sản Văn hoá Thăng Long Hà Nội đã phát động chương trình xã hội hoá xây dựng khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân.
Công trình khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (22/5/1770- 4/12/1799) tại quê ngoại (xã Ninh Hiệp- Hà Nội) sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 8 âm lịch năm nay từ nguồn vốn xã hội hoá do Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Thăng Long Hà Nội đứng ra vận động. Đây cũng là nơi hiện còn lưu giữ 2 phần mộ tượng trưng của bà và thân mẫu.
Mô hình công trình khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Lê Ngọc Hân là công chúa con vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (người làng Phù Ninh, Đông Ngàn, Bắc Ninh nay là Ninh Hiệp- Gia Lâm- Hà Nội).
Bà được lịch sử ghi lại là người phụ nữ tài sắc hơn người, năm 16 tuổi được gả cho bậc hào kiệt Nguyễn Huệ, gắn với sự nghiệp ngắn ngủi nhưng oanh liệt của người anh hùng áo vải cờ đào. Sau 6 năm chung sống, năm 1892, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà để lại Hoàng hậu Ngọc Hân (mới 22 tuổi) và một hoàng tử, một công chúa còn thơ dại giữa thời ly loạn, rối ren.
Bà mất khi mới 29 tuổi, hai con bà, hoàng tử Quang Đức mất khi mới 11 tuổi và công chúa Ngọc Bảo mất khi mới 13 tuổi. Cuộc đời của một công chúa tài hoa, thông minh đức hạnh đến một hoàng hậu nhân từ, sắc sảo tuy ngắn ngủi nhưng Lê Ngọc Hân đã trở thành một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hoá của dân tộc.
Trong buổi phát động, GS Vũ Khiêu đã nhấn mạnh: “Việc xây dựng đền thờ và khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân là một việc làm có ý nghĩa lớn lao, đáp ứng nguyện vọng của người dân nặng lòng với lịch sử dân tộc. Hơn nữa, chúng ta còn tưởng nhớ một điều cao cả hơn, đó là một con người mà nếu không có người ấy thì có thể sẽ không có sự nghiệp vĩ đại của Vua Quang Trung- một đêm quét sạch 70 vạn quân Thanh ra khỏi Thăng Long”.
Việc điều tra, nghiên cứu về Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và phần mộ ở xã Ninh Hiệp đã được Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội tiến hành cách đây gần 20 năm; chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm Bà cũng đã được đặt ra, nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được triển khai. Năm 2007, Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội và chính quyền xã Ninh Hiệp tiếp tục đề xuất xây dựng Khu tưởng niệm Lê Ngọc Hân theo phương thức xã hội hóa và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý về chủ trương, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân địa phương.
Tháng 5/2008, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Việt Á, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học về "Thân thế, sự nghiệp Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hình thức tưởng niệm tại xã Ninh Hiệp- Gia Lâm- Hà Nội", khẳng định vai trò của của Bà với lịch sử dân tộc (cụ thể là đối với sự nghiệp của vua Quang Trung và triều đại Tây Sơn), những đóng góp trên văn đàn nước nhà, mối quan hệ với quê ngoại làng Nành (xã Ninh Hiệp ngày nay), cùng sự thật về ngôi mộ và việc thờ cúng, tôn vinh của nhân dân địa phương với Bà.
Được biết, nguồn vốn cần để xây dựng công trình dự kiến là 13 tỷ đồng gồm Khu đền thờ sẽ có Nghi môn (tứ trụ); Khu nhà hành lang; Đền chính (gồm nội thất, tượng Lê Ngọc Hân, Quang Trung và hai con); cổng phụ; sân vườn./.
Cẩm Hà