• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2016, giới nghệ sĩ nức lòng với chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn

Văn hoá 26/01/2017 08:08

(Tổ Quốc) - Năm vừa qua, một trong những dấu ấn của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn được dư luận đánh giá cao.

Được báo chí bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2016, chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn cho các chương trình nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm chất lượng cao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã được nghệ sĩ cả nước đánh giá là một “cú huých” để phát triển nghệ thuật.

Bắt đầu thực hiện từ cuối tháng 8, đến cuối năm 2016, gần 40 buổi biểu diễn với đủ các loại hình nghệ thuật, từ giao hưởng thính phòng đến kịch nói, ballet, từ Tuồng, chèo, cải lương, múa rối…đã làm sống lại không khí một thánh đường nghệ thuật của Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhiều chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn đầy ắp khán giả (ảnh Minh Khánh)

“Nghệ thuật của chúng ta” được vào Nhà hát Lớn

Trước đây, không nhiều vở chèo, cải lương, đặc biệt là Tuồng được biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Khi có chủ trương mở rộng cửa của Nhà hát Lớn, các chương trình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn định kỳ, miễn phí tại địa điểm vàng của Thủ đô.

NSND Trung Đức- người đã nhiều lần đứng ở sân khấu Nhà hát Lớn chia sẻ: “Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về việc đưa các chương trình nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn Hà Nội là một tư duy tuyệt vời hay. Chúng ta vẫn nghĩ Nhà hát Lớn là chuyên diễn về cổ điển, ví dụ như những chương trình hát nhạc giao hưởng, còn tuồng, chèo, cải lương lại ít xuất hiện. Nhưng hiện nay Nhà hát Lớn lại có tuồng, chèo, cải lương cho khán giả xem, đó là một điều tuyệt vời. Tuồng, chèo, cải lương, đó mới là âm nhạc của chúng ta. Tôi hoan nghênh và ủng hộ hoàn toàn chủ trương này của Bộ VHTTDL”.

NSND Trung Đức: Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về việc đưa các chương trình nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn Hà Nội là một tư duy tuyệt vời (ảnh Zing.vn)

NSND Trung Đức cũng nhận xét: “Nhà hát Lớn được xây dựng từ thời Pháp, nhưng từ khi tôi biết hát và được hát tại Nhà hát Lớn, chỉ thấy đa phần các buổi hòa nhạc giao hưởng, ít thấy những đoàn chèo, cải lương đến diễn ở đó. Mãi gần đây mới có Nhà hát Tuổi trẻ xuất hiện. Tuy nhiên tôi cho rằng các tiết mục tuồng, chèo, cải lương cần được đưa vào Nhà hát Lớn để công chúng nước ngoài thưởng thức. Nhà hát Lớn không chỉ để dành riêng cho mảng âm nhạc cổ điển, mà còn cần có âm nhạc dân gian. Vì âm nhạc dân gian là cái đại diện cho dân tộc chúng ta”.

Nghệ sĩ thấy yên lòng hơn với sự phát triển của nghệ thuật

NSND Lan Hương (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam) chia sẻ, không chỉ riêng đối với cá nhân chị mà với hầu hết các nghệ sỹ biểu diễn, chủ trương này như món quà giúp các nghệ sỹ được thăng hoa hơn rất nhiều khi được diễn trên một sân khấu đạt tiêu chuẩn và sang trọng.

“Từ khi bước vào nghề diễn viên đến khi học trong trường, tôi luôn trân trọng sân khấu như thánh đường. Thực sự mà nói, mỗi lần biểu diễn trên sâu khấu Nhà hát Lớn, các nghệ sỹ sẽ được thăng hoa hơn rất nhiều. Như vở “Tai biến” mà Nhà hát Kịch Việt Nam diễn chia tay tôi về hưu ngày 10/8/2016 là một ví dụ điển hình. Đó là vở chúng tôi diễn lâu rồi, nhưng thường diễn ở những sân khấu rất nhỏ, thậm chí phải đi tỉnh xa, ở những sân khấu không đạt tiêu chuẩn. Đêm diễn chia tay trước khi tôi nghỉ hưu, vở diễn “Tai biến” lần đầu tiên được biểu diễn tại Nhà hát Lớn, các bạn diễn viên trẻ ngày hôm đó diễn hay vô cùng. Đạo diễn Anh Tú ngồi xem lại vở kịch đã diễn sau hai năm mà vẫn xúc động. Điều đó chứng minh chất lượng nghệ thuật của sân khấu Nhà hát Lớn rất tuyệt vời”- NSND Lan Hương cho hay.

NSND Lan Hương: Mỗi lần biểu diễn trên sâu khấu Nhà hát Lớn, các nghệ sỹ sẽ được thăng hoa hơn rất nhiều (ảnh Vietnamnet)

NSND Lan Hương cũng chia sẻ: “Thời gian trước đây, chúng tôi vẫn đùa với nhau, Nhà hát Lớn là Nhà hát hội nghị, Nhà hát họp chứ không phải nhà hát nghệ thuật. Trong khi, một nhà hát ở Thủ đô một quốc gia là bộ mặt văn hóa của quốc gia đó. Như khi đi ra nước ngoài, Nhà hát là những trung tâm kịch nghệ lớn, ví dụ như Nhà hát Bolshoi của Nga, là nghệ sĩ ai cũng mơ ước một lần được bước vào trình diễn ở đó. Trong khi nước mình có một sân khấu lâu đời đem lại giá trị nghệ thuật cao, nhưng chưa được sử dụng đúng giá trị, được biểu diễn ở sân khấu sang trọng, sự sáng tạo của những đạo diễn, diễn viên vì vậy cũng thăng hoa hơn, đạt chất lượng và hiệu quả rõ rệt hơn”.

Năm 2017, chủ trương mở rộng cửa của Nhà hát Lớn sẽ được chú trọng đi vào chiều sâu. Theo đó, các đêm biểu diễn nghệ thuật sẽ được thực hiện theo chuyên đề. Đầu tiên sẽ là một chuyên đề kịch nói với tên gọi “Những vở kịch còn mãi với thời gian” được tổ chức vào mùa Thu 2017. Cùng với đó, những nhà hát ở các địa phương cũng sẽ đem “đặc sản” các loại hình nghệ thuật của địa phương mình đến Nhà hát Lớn biểu diễn. Đồng thời, các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh cũng sẽ được đến với đông đảo khán giả qua những đêm diễn tại Nhà hát Lớn.

Nghệ thuật truyền thống đã tự tin bước vào thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn (ảnh Báo Văn hóa)

Theo NSND Lan Hương, đây là một điều đáng mừng. “Điều đầu tiên là nghệ sỹ đỡ tủi thân. Điều thứ hai là khi khán giả được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đích thực ở những sân khấu lớn, họ sẽ yêu mến bộ môn nghệ thuật ấy nhiều hơn. Và rõ ràng, khi những tác phẩm nghệ thuật, như tuồng, chèo, cải lương, các bạn trẻ không tìm đến nhiều, nhưng khi được diễn ở những sân khấu lớn, khán giả vẫn đầy ắp, các bạn ấy xem cũng rất thích. Đó chính là cú huých rất lớn, để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Vì nghệ thuật truyền thống là nét riêng của văn hóa dân tộc mà chúng ta phải trân trọng”- NSND Lan Hương nhận định.

Nữ nghệ sĩ cũng cho sẻ: “Chủ trương này thật sự là một sự khởi sắc cho nghệ thuật. Chủ trương khiến tôi cảm thấy yên lòng hơn với sự phát triển của nghệ thuật nước nhà”./.

Hoàng Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ