(Tổ Quốc)-Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, năm 2017, ngành du lịch sẽ nỗ lực hết sức để vượt xa mục tiêu ban đầu. Trong đó, Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu vẫn là những thị trường tiềm năng nhất đối với Việt Nam.
Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu hứa hẹn vẫn dẫn đầu
Theo phân tích của Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch), đứng đầu trong số hơn 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 vẫn là thị trường Đông Bắc Á. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng cao. Năm vừa qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của thị trường Tây Âu, đặc biệt là 5 nước được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Trong năm 2017, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch đi vào chiều sâu, bài bản hơn, tập trung vào các thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ (Ảnh: Hoàng Thành) |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam sẽ phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng và trọng tâm vẫn là thị trường Đông Bắc Á, ASEAN và Tây Âu. Trong đó, Trung Quốc vẫn được xem là một trong những thị trường inbound quan trọng của Việt Nam.
“Số lượng người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài vào năm 2014 đã lên con số 100 triệu lượt và 120 triệu lượt vào năm 2015. Xu hướng này tiếp tục tăng do thu nhập người Trung Quốc tăng, tình hình ô nhiễm môi trường và xu hướng thay đổi cách sử dụng thu nhập của người dân Trung Quốc. Theo dự đoán, số lượng người dân Trung Quốc đi du lịch outbound (du lịch nước ngoài) có thể đạt con số 220 triệu người vào năm 2020. Bây giờ trên thế giới không có quốc gia nào phát triển du lịch mà không quan tâm đến thị trường Trung Quốc” – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định.
Xác định rõ mục tiêu đó, trong năm 2017, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch đi vào chiều sâu, bài bản hơn, tập trung vào các thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ và còn lại là những thị trường mới nổi. Ông Tuấn cho biết, thời gian tới, với mỗi thị trường mục tiêu, ngành du lịch sẽ xác định rõ những điểm đến nào của Việt Nam sẽ gắn với thị trường nào, thông điệp ra sao.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hồng Đài – Tổng giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho hay, thị trường châu Âu, đặc biệt là những thị trường mới như Bắc Âu, Nam Âu sẽ quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn trong năm 2017 do thời gian qua ngành du lịch đã tập trung xúc tiến quảng bá nhiều tại các thị trường này. Ngoài ra, du khách từ các nước trong khu vực ASEAN vẫn ưa chuộng Việt Nam trong năm tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel dự đoán, năm tới, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn sẽ tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc nếu không có biến cố nào xảy ra. Bên cạnh đó, nếu chính sách mở rộng visa được duy trì ổn định thì năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng cao hơn. “Thị trường khách châu Âu qua những khủng hoảng nội bộ như khủng bố, họ cũng sẽ đi du lịch nhiều”- ông Đạt nhận định.
Ông Đạt đánh giá: “Chúng ta nên tập trung quảng bá xúc tiến ở các thị trường xa, tiềm năng mà có mức chi tiêu cao, chứ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc tăng cao về số lượng khách, nhưng mức chi tiêu chưa cao, vì họ hay tự làm hết các khâu nên các giá trị tương đối thấp”.
Du lịch Bắc Trung bộ sẽ khôi phục?
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, trong năm 2017, ngành du lịch sẽ ghi nhận sự hồi phục của khu vực Bắc Trung bộ, tuy nhiên sự tăng trưởng này chưa trở lại như thời điểm trước khi xảy ra sự cố môi trường.
“Đến thời điểm này, các thông tin về việc các tỉnh miền Trung khắc phục sự cố môi trường, xây dựng sản phẩm mới để thu hút khách đã được quảng bá nhiều đến du khách, các công ty du lịch, do vậy, năm 2017, lượng khách sẽ trở lại các bãi biển khu vực miền Trung. Đương nhiên mức độ tăng trưởng khó được như năm 2015, nhưng chắc sẽ hồi phục được khoảng 80%. Nhu cầu của du khách, đặc biệt là miền Bắc là thích đi tham quan dài ngày, kinh phí ít, trong khi thiếu điểm đến. Ba lý do trên sẽ là yếu tố giúp du lịch miền Trung phục hồi nhanh nhất. Quãng thời gian từ giờ tới mùa hè đủ để các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các địa bàn này đưa ra một thông điệp truyền thông nào đó để khẳng định mạnh mẽ hơn về sự phục hồi".
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhận định, những ảnh hưởng của sự cố môi trường đối với du lịch miền Trung không thể khắc phục trong một sớm một chiều, do vậy, việc khôi phục hoạt động du lịch ở khu vực này cũng cần bình tĩnh. Trong năm 2016, ngành du lịch đã triển khai nhiều công việc, hoạt động để hỗ trợ du lịch miền Trung và những công việc này sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong công tác xúc tiến quảng bá tại thị trường nội địa và quốc tế; kiểm soát chất lượng dịch và và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đảm bảo vừa thể hiện tính hấp dẫn, khác biệt và có sự kết nối với các điểm đến khác…
Sẽ phấn đấu vượt xa mục tiêu ban đầu
Trong năm 2017, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 11,5 triệu khách du lịch quốc tế (tăng 1,5 triệu so với năm 2016), 70 triệu khách nội địa và tổng thu từ du lịch đạt 465.000 tỷ đồng… Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, sở dĩ, Tổng cục Du lịch đưa ra mức độ tăng trưởng khiêm tốn nêu trên là để có “điểm lùi” do nhiều yếu tố khách quan trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới có những biến động không ngừng.
“Đưa ra con số phấn đấu đón 11,5 triệu khách quốc tế không phải là mục tiêu “cứng”, ngành Du lịch sẽ nỗ lực hết sức để vượt xa mục tiêu ban đầu. Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi chủ trương xây dựng mục tiêu khiêm tốn, nhưng trên thực tế chúng tôi sẽ phấn đấu cao hơn. Chúng tôi tính toán từng thị trường và nếu tình hình ổn định, không có sự cố bất ngờ thì rất có thể ngành du lịch vẫn đạt 2 triệu khách, tăng 20% so với 2016. Cũng giống như năm 2016, mục tiêu ban đầu của Tổng cục Du lịch chỉ là 8 triệu lượt khách nhưng chúng ta đã đón được 10 triệu khách” – ông Tuấn khẳng định./.
Lâm Minh