• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Giáo dục 31/12/2020 13:34

(Tổ Quốc) - Những ngày cuối năm 2020 đang dần khép lại, một năm với những vui, buồn của ngành Giáo dục Việt Nam.

1. Dạy và học trực tuyến của Việt Nam trở thành mô hình giảng dạy-học tập được nhiều quốc gia tham chiếu

Điểm nhấn đầu tiên trong bức tranh giáo dục Việt Nam 2020 chính là học sinh, sinh viên được nghỉ một kỳ nghỉ Tết âm lịch dài nhất trong lịch sử. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, toàn bộ học sinh 63 tỉnh, thành phố đã có thời gian nghỉ tết kéo dài tới… 3 tháng.

Cùng đó, sinh viên của hơn 200 trường đại học cũng thấp thỏm tựu trường sau kỳ nghỉ Tết âm lịch rồi lại hoãn.

Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát an toàn, Bộ GDĐT đã đề xuất phương án dạy học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học.

Với những chỉ đạo kịp thời, lần đầu tiên ngành Giáo dục Việt Nam đã đạt được những kết quả được nhiều nước trong khu vực và thế giới ghi nhận về dạy và học trực tuyến.

Huy động mọi nguồn lực tập trung cho việc học qua truyền hình, dạy học trực tuyến, 100% các tỉnh, thành phố triển khai dạy học trực tuyến, việc học trực tuyến được thực hiện rộng rãi từ cấp phổ thông đến đại học.

Kết thúc năm 2020, sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh và vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.

Học sinh, sinh viên học trực tuyến góp phần vào thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đồng thời, mở ra phương thức giảng dạy mới và hiệu quả, đưa Việt Nam trở thành mô hình giảng dạy-học tập được nhiều quốc gia tham chiếu. Các hội thảo, diễn đàn giáo dục khu vực và thế giới diễn ra trong thời gian qua đã khẳng định kết quả này của giáo dục Việt Nam.

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 1.

Dạy - học trực tuyến trở thành phương pháp phổ biến trong thời Covid-19 (ảnh minh họa)

2. Thi tốt nghiệp THPT: Đổi tên kỳ thi, thí sinh thi làm 2 đợt

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến ban đầu đã phải lùi thời gian. Việc này dẫn đến kỳ thi THPT quốc gia đã được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Do đang chuẩn bị thi thì xảy ra dịch bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành, trước tình hình này, Chính phủ đã quyết định chỉ đạo Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện triển khai thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như những thay đổi lớn đối với kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên, tới thời điểm này hơn 90% các trường đại học đã hoàn thành công tác tuyển sinh năm nay.

Các trường phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đại học.

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 2.

Thí sinh phải đeo khẩu trang để thi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa)

3. Năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

Sau một năm trì hoãn triển khai chương trình GDPT 2018, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình, bắt đầu từ lớp 1 với 5 bộ SGK mới. Lần đầu tiên chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK triển khai rộng khắp cả nước.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung hiện hành; bảo đảm nội dung giáo dục tinh giản, thiết thực, gắn với thực tiễn, tập trung đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá…

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình triển khai Chương trình, tuy nhiên, sau gần 4 tháng triển khai, các giáo viên cũng như học sinh đang dần quen với việc học tập theo phương pháp mới, chương trình mới.

Điểm trừ đáng tiếc là trong quá trình triển khai SGK mới đã phát hiện nhiều lỗi trong các SGK Tiếng Việt 1. Nhiều lỗi nhất là SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều, các SGK Tiếng Việt lớp 1 của 4 bộ sách còn lại cũng được NXB rà soát, phát hiện ra lỗi về từ ngữ, ngữ liệu sử dụng trong sách.

Hiện các NXB đang gấp rút hoàn thiện tài liệu chỉnh sửa, bổ sung những ngữ liệu sai, chưa hợp lý trong các cuốn sách theo đúng quy trình để phát cho học sinh, có tài liệu chuẩn để học tập.

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 3.

1 trong 5 bộ SGK lớp 1 mới được giảng dạy từ năm học 2020-2021 theo Chương trình GDPT 2018

4. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thi tuyển viên chức giáo dục

Lần đầu tiên trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ GDĐT ban hành sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2, không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.

Sau nhiều bài viết phản ánh về việc các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học "làm khó" giáo viên khi tuyển dụng, xét nâng ngạch… hồi cuối tháng 11/2020, Bộ GDĐT cho biết đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 ban hành quy định cụ thể.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 4.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thi tuyển viên chức giáo dục (ảnh minh họa)

5. Tập trung đẩy mạnh tự chủ đại học

Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99 là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học, trong đó nội dung cốt lõi là tự chủ đại học.

Năm 2020 là năm ngành giáo dục tập trung thực hiện đẩy mạnh tự chủ đại học nhằm phát huy tiềm lực, nâng cao chất lượng trong cả hệ thống giáo dục đại học. Trong đó, điều kiện tiên quyết để các trường thực hiện quyền tự chủ là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Nghị định 99.

Ngay tháng 01/2020, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 99, nhấn mạnh việc thành lập Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập xong trước ngày 15/8/2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GDĐT, đến ngày 27/11 vẫn còn 50% cơ sở giáo dục đại học công lập chưa hoàn thành việc thành lập hoặc kiện toàn hội đồng trường theo luật mới.

Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ GDĐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học phải khẩn trương thực hiện các bước thành lập và kiện toàn hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành công nhận trước khi kết thúc năm học 2020-2021. Đồng thời phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ, tăng cường phân cấp, phân quyền và công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả mô hình quản trị theo cơ chế tự chủ.

Năm 2020 - Một năm giáo dục Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận - Ảnh 5.

Việt Nam xuất sắc đoạt 4 Huy chương Vàng tại Olympic Hoá học quốc tế 2020

6. Bên cạnh những kết quả nổi bật của giáo dục Việt Nam trong năm qua ở trên, giáo dục Việt Nam còn tiếp tục ghi điểm với việc cô giáo Hà Ánh Phượng lần đầu tiên lọt top 10 giáo viên toàn cầu năm 2020 của Giải thưởng vinh danh giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation tổ chức. Hay, đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ Olympic quốc tế tiếp tục giành thứ hạng cao, các thí sinh đều giành Huy chương, được trao giải thưởng; Việt Nam tiếp tục có các trường đại học, đại học xuất hiện trong các bảng xếp hạng toàn cầu cũng như khu vực uy tín. Cùng đó là những hình ảnh đẹp toàn ngành Giáo dục chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ…

Như vậy, mặc dù 2020 tiếp tục là một năm "sóng gió" đối với lĩnh vực Giáo dục. Tuy nhiên, với những kết quả trên cho thấy, đây cũng là cơ hội để Giáo dục có dịp nhìn lại và tự khẳng định mình ở những bước phát triển mới.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ