(Tổ Quốc) - Do ảnh hưởng của dịch COVID, hàng loạt lĩnh vực hoạt động truyền thống của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) như nhạc sống, nhạc nền bị sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tập trung nhân lực, kỹ thuật vào các lĩnh vực truyền thông, truyền hình nên hoạt động cấp phép vẫn giữ được đà tăng trưởng, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12 % so với năm 2019.
Theo thông tin VCPMC đưa ra trong buổi Tổng kết hoạt động năm 2020 tại Hà Nội ngày 13/1, trong năm 2020, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 150 tỷ đồng, tăng 12 % so với năm 2019. VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 107 tỷ đồng.
Số lượng thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC trong năm 2020 là 276 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC đến nay là 4.540 tác giả.
Trong năm 2020, công tác hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định diễn ra chủ yếu trên môi trường kỹ thuật số, đặc biệt là youtube.
Khảo sát thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc theo quy định của pháp luật; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng biện pháp hành chính hoặc tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền đối với các vụ việc vi phạm quyền tác giả.
Các vụ kiện do VCPMC tiến hành trong năm 2020: 14 vụ việc trong đó có 8 vụ liên quan tới biểu diễn, kết quả: Thắng kiện 01 vụ là khởi kiện Cty TNHH Multimedia Ngọc Việt tổ chức chương trình biểu diễn "Để nhớ một thời ta đã yêu 6 – Một thuở yêu người" tại Nhà hát Hòa Bình - TP.HCM: TAND Hà Nội xét xử ngày 17/09/2020 tuyên VCPMC thắng kiện, bản án đã có hiệu lực. Rút đơn khởi kiện do bị đơn khắc phục một phần vi phạm: 03 vụ; Rút đơn khởi kiện do bị đơn ngừng hoạt động: 02 vụ; 08 vụ đang trong tiến trình tố tụng.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, năm 2020, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) trên thế giới, số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019. Các CMOs mới ký trong năm 2020 bao gồm: SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban nha). Mặc dù tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, doanh thu lĩnh vực biểu diễn của các CMOs trên thế giới cũng bị sụt giảm rất nhiều, nhưng nguồn thu từ nước ngoài của VCPMC vẫn tăng trưởng mạnh, đến thời điểm này tăng 82% so với năm ngoái từ 1,984,692,444 đồng lên 3,606,289,785 đồng do tốc độ tăng trưởng lĩnh vực kỹ thuật số từ các tổ chức nước ngoài.
Năm 2020 nguồn tiền bản quyền tác giả của tác phẩm Việt thu được từ nước ngoài tăng vọt so với những năm trước, trong đó chủ yếu đến từ các nước như COMPASS (Singapore), JASRAC (Nhật Bản), SACEM (Pháp), ASCAP (Mỹ), GEMA (Đức), APRA AMCOS (Úc).
Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới không chỉ giúp VCPMC quảng bá và bảo vệ kho tác phẩm Việt được khai thác tại nước ngoài mà còn giúp bảo vệ kho tác phẩm nước ngoài của các chủ sở hữu nước ngoài được khai thác tại Việt Nam.
Hiện tại việc quản lý và cấp phép kho tác phẩm nước ngoài được sử dụng và khai thác tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý quyền của VCPMC.
Năm 2020 cũng là năm có diễn biến mới với lĩnh vực ủy quyền. VCPMC đang tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing). Các đối tác quyền liên quan của người biểu diễn và quyền liên quan của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình trong nước và quốc tế cụ thể là Hội bảo vệ Quyền của Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), Liên đoàn Công nghiệp thu âm quốc tế (IFPI)… hiện đang trong quá trình đàm phán với VCPMC để hợp tác, phối hợp, đại diện cấp phép tại thị trường Việt Nam./.