(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020".
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực được tổ chức chiều 23/9, trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc có cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi này có cần phải phân loại học sinh hay không, các thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (HĐQGGD&PTNL) đã thảo luận và đồng thuận "kỳ thi là cần thiết".
Cụ thể, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng cần tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT, bởi nếu không thi mà chỉ xét học bạ thì sẽ dẫn tới tiêu cực. "Cơ bản kỳ thi như năm vừa rồi, nên ổn định, không thay đổi nữa", ông nói.
Từ thực tế quá trình giảng dạy và đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) nêu quan điểm, nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
"Kỳ thi là dịp để bản thân các thầy cô, học sinh rèn luyện kỹ năng, ý chí vượt qua thử thách. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình thông qua kết quả kỳ thi. Vì vậy, việc tổ chức thi THPT là rất cần thiết", cô Nguyễn Thị Nhiếp nêu quan điểm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của cả thầy cô giáo và học sinh.
"Cần thi và tiếp tục những thành tựu Bộ GDĐT đã đạt được thời gian qua" là khẳng định của GS. Nguyễn Lân Dũng. Làm rõ thêm quan điểm của mình, GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định, nếu hỏi các nước trên thế giới có thi không, "câu trả lời là có".
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, việc thi là cần thiết, vì không thi học sinh sẽ không học. Thi trên diện rộng còn để đánh giá được môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019 nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước.
Nhìn lại kỳ thi THPT năm nay dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng theo ông Phạm Tất Thắng, ở từng môn học cụ thể kết quả vẫn đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý. Như vậy, không chỉ học sinh bị ảnh hưởng nếu không tổ chức kỳ thi mà bản thân các thầy cô giáo cũng không có được động lực đổi mới hoạt động giảng dạy.
"Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội. Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội, đồng thời đánh giá được chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông", ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên HĐQGGD&PTNL, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 6 năm đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công.
"Qua ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ GDĐT tiếp thu và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định", Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định: "Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi".
Những năm tiếp sau, theo Bộ trưởng, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính. Đồng thời, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới thi là quá trình đã được bàn được bàn từ khi xây dựng Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW. Bộ GDĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì thi được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất ở thời điểm đó.
"Đổi mới cần có lộ trình, qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GDĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.