(Tổ Quốc) - Cùng với những sửa đổi về luật, các vấn đề như chuyển đổi số, công nghệ... sẽ là xung lực được đánh giá là đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản trong năm 2021.
Năm 2020 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn với khi Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của đại dịch khiến cho sự phát triển của thị trường bất động sản bị chững lại, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngừng trệ, sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng… Mặc dù Chính phủ đã vào cuộc và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng những vướng mắc về pháp luật vẫn khiến lực cầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, ngay từ quý 3, thị trường này đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Phát biểu trong buổi tọa đàm "Toàn bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra sáng ngày 5/1 tại FLC Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, sự hồi phục mạnh mẽ đã đúng hạn. Theo số liệu được thống kê, nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, (đạt khoảng 87,6% so với năm 2019). Lực cầu tuy có giảm nhưng vẫn thu hút đầu tư ngoài ngành tăng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường.
Theo dự báo của ông Nguyễn Văn Đính, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch là 6%, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại, đồng thời thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020.
"Năm 2021 sẽ có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản. Do đó, thị trường sẽ phát triển bền vững chứ khó có nguy cơ tạo bong bóng; tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch. Phân khúc bất động sản du lịch không còn tập trung hướng biển mà còn vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng. Lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp. Vốn FDI đổ vào mạnh hơn" – ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Nhiều xung lực làm đòn bẩy cho thị trường
Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra 6 xung lực được dự đoán sẽ chờ đón thị trường bất động sản năm 2021 và nhiều năm tới.
Cụ thể, xung lực đầu tiên TS Cấn Văn Lực đề cập tới là sự điều chỉnh nhanh nhạy theo tình hình dịch bệnh cũng như áp dụng công nghệ vào các phương thức bán hàng. Điều này giúp cho toàn cảnh ngành bất động sản 2021 dự báo tăng trưởng, 6-7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%.
Tiếp theo, những sửa đổi bổ sung về luật với nhiều điểm tinh giản đáng kể với điểm nhấn là huy động vốn sẽ giúp cho các doanh nghiệp có động lực tốt hơn. Thứ ba, là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Thứ tư là giải ngân đầu tư công nhanh.
"Khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt bởi mức độ lan tỏa nhanh hơn. Giải nhân công nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%" - ông Lực nói.
Xung lực thứ 5 được TS Cấn Văn Lực đề cập tới là chuyển đổi số. Theo TS Lực, với kinh doanh bất động sản, chuyển đổi số vô cùng tốt và nhanh, tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Và cuối cùng là lãi suất. Lãi suất ở thời điểm hiện tại được đánh giá là thấp nhất trong 15 năm qua. Mức lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.
"Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới" - TS Lực nhấn mạnh.
Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác pháp lý bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Năm 2021 có điểm đặc biệt là luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả covid-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng. Trong năm tới, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hợp lý.