• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2022 đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Du lịch 22/12/2022 13:51

(Tổ Quốc) - Năm 2022 là năm đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.

Trong tham luận gửi tới Hội nghị Tổng kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đánh giá về kết quả năm 2022, Tổng cục Du lịch cho biết năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022 là năm đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam nhận 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam.

Chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 có thể nói là giải pháp cứu cánh không chỉ đối với ngành Du lịch nói riêng mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nền kinh tế đất nước.

Năm 2022 đánh dấu sự khởi sắc của du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị sáng 22/12.

Theo Tổng cục Du lịch, bên cạnh sự trở lại "ngoạn mục" sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.

Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.

Về thị trường khách, dự kiến năm 2023 khách du lịch nội địa sẽ ở mức tăng trưởng thấp do năm 2022 đã tăng trưởng rất mạnh. Khách du lịch quốc tế tăng hơn, một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bắt đầu hồi phục từng bước. Những nỗ lực xúc tiến quảng bá của năm 2022 bắt đầu có kết quả, thị trường mới nổi như Ấn Độ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh, xung đột Nga và Ucraina vẫn ảnh hưởng nặng nề nên khách quốc tế đi du lịch chặng xa vẫn chưa nhiều, khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt mức của năm 2019.

Tổng cục Du lịch cho biết năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Về giải pháp phát triển du lịch năm 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, 2023. Tăng cường phổ biến quy định pháp luật và các quy định trong Ngành.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi khách du lịch quốc tế. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng. Đồng thời, khắc phục yếu tố mùa vụ, kích cầu mùa thấp điểm, đẩy mạnh hơn nữa du lịch MICE.

Bên cạnh đó, toàn ngành Du lịch sẽ tiếp tục đầu tư cho điểm đến đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ... với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn"; Chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) với các hoạt động thông tin, truyền thông; xúc tiến, quảng bá hướng tới thị trường nguồn khách quốc tế của du lịch Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Triển khai Kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tăng cường thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ