(Tổ Quốc) - Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có thể được hưởng lương hưu trong năm 2023 nếu đáp ứng điều kiện về tuổi là 60 tuổi 9 tháng đối với nam và đủ 56 tháng đối với nữ với điều kiện về thời gian đóng BHXH là đủ 20 năm trở lên.
1. Điều kiện hưởng lương hưu với người tham gia BHXH tự nguyện
Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì các điều kiện để người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu gồm:
Thứ nhất, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi:
- Đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028
- Đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Căn cứ theo lộ trình trên thì tuổi nghỉ hưu năm 2023 của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và của lao động nữ là 56 tuổi.
Điều kiện thứ hai là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Đối với trường hợp đủ điều kiện về tuổi theo quy định tuy nhiên thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, người tham gia BHXH tự nguyện có thể được hưởng lương hưu trong năm 2023 nếu đáp ứng điều kiện về tuổi là 60 tuổi 9 tháng đối với nam; đủ 56 tháng đối với nữ và điều kiện về thời gian đóng BHXH là đủ 20 năm trở lên.
2. Đóng BHXH tự nguyện 15 năm có được nhận lương hưu?
Căn cứ theo điều kiện quy định ở nội dung trên, có thể thấy người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu khi đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia BHXH tự nguyện.
Như vậy, nếu mới chỉ đóng 15 năm BHXH thì còn thiếu 5 năm tham gia nữa mới đủ điều kiện nhận lương hưu. Dưới đây là cách người lao động có thể đóng bù số năm còn thiếu để đủ điều kiện.
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Phương thức đóng BHXH tự nguyện gồm một trong các phương thức quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP. Các phương thức này bao gồm đóng hằng tháng, ba tháng/lần, đóng sáu tháng/lần, đóng 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm).
Ngoài ra, người lao động có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm, cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Như vậy, người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng một lần cho 5 năm còn thiếu đến khi đủ 20 năm để được nhận lương hưu.
3. Đối tượng được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 15 năm?
Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi Luật BHXH năm 2014 có ghi nhận 01 trường hợp duy nhất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu tại khoản 3 Điều 54.
Theo đó, lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì được hưởng lương hưu.
Như vậy 2 điều kiện phải có để người đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu gồm:
Một, là lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Hai là đủ tuổi nghỉ hưu. Cụ thể năm tuổi nghỉ hưu năm 2023 là 60 tuổi 9 tháng đối với nam và đủ 56 tháng đối với nữ.