(Tổ Quốc) - Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra trong Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp của Thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ những yêu cầu thực tiễn công tác giảng dạy và đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trong mọi lĩnh vực, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, thích ứng với điều kiện mới.
Trước xu thế tất yếu của quá trình CĐS trong tất cả các lĩnh vực trong đó có giáo dục nghề nghiệp, ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với chương trình này, CĐS trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Việc đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo trực tiếp sẽ hỗ trợ cho quá trình giảng dạy các môn học về lý thuyết, cung cấp kiến thức cơ bản cho người học, đồng thời, việc đào tạo trực tuyến kết hợp với các mô hình mô phỏng thực tế ảo sẽ giúp các học viên thực hành kỹ năng thành thục hơn. Bên cạnh đó, về lâu dài sẽ hình thành kho học liệu, tài nguyên số dùng chung cho học tập.
Thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các phương thức giảng dạy, đào tạo trực tuyến như biện pháp để vượt qua "rào cản" giãn cách xã hội do dịch bệnh gây ra. Tận dụng các ứng dụng CNTT sẵn có như trình chiếu bài giảng qua các ứng dụng Zoom, Teams, Google metting… tương tác với học viên, các giáo viên, giảng viên đã giúp học viên hoàn thành bài học của mình. Một số cơ sở giáo dục còn hình thành được kho bài giảng số, thư viện số và bước đầu liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cùng chia sẻ tài nguyên, học liệu.
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch CĐS trong giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hà Nội. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phù hợp với Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch được thực hiện nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như có cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, tăng số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Kế hoạch đưa ra các mục tiêu cơ bản đến năm 2025, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, phấn đấu 50% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số. Phấn đấu 50% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về công tác xây dựng, phát triển và khai thác học liệu số.
Xây dựng, đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, phấn đấu 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, nội dung của chương trình phù hợp với phương thức và quá trình thực hiện CĐS.
Xây dựng, phát triển hạ tầng, nền tảng số và học liệu số. Xây dựng nền tảng số giáo dục nghề nghiệp của Thành phố, thư viện dữ liệu, học liệu và tài nguyên số dùng chung giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phục vụ cho hoạt động dạy và học trong quá trình CĐS. Phấn đấu 50% các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn Thành phố xây dựng được hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác giữa các trường và kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.
CĐS trong công tác quản lý, quản trị với mục tiêu phấn đấu: 100% các trường cao đẳng, trường trung cấp thực hiện số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 50% các hoạt động kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp của Thành phố được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; cập nhật bản đồ số mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố với bản đồ số mạng lưới quốc gia; 100% các báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống báo cáo giáo dục nghề nghiệp quốc gia; ít nhất 50% các trường đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao là trường học số.
Kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu cơ bản đến năm 2030 như, phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; xây dựng, đổi mới và phát triển các chương trình đào tạo; xây dựng, phát triển hạ tầng, nền tảng số và học liệu số; CĐS trong công tác quản lý, quản trị.
Để thực hiện, Kế hoạch đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để CĐS trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như, chuyển đối và nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của CĐS; xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị, học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. đổi mới phương pháp dạy và học; CĐS hoạt động quản lý Nhà nước và quản trị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; huy động nguồn lực cho quá trình CĐS giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CĐS trong giáo dục nghề nghiệp và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Trong quá trình thực hiện, quan tâm chú trọng tới việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho đội ngũ nhà giáo, người dạy trong các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Phát triển đội ngũ cán bộ, nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…