(Tổ Quốc) - Chiều ngày 18/12, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025 (phiên nội bộ). Chủ trì điểm cầu tại trụ sở Bộ VHTTDL tại Hà Nội có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
- 18.12.2024 Ngành VHTTDL quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2025
- 18.12.2024 Bộ VHTTDL tổ chức huấn luyện về an toàn thông tin và diễn tập phòng thủ tấn công có chủ đích
- 18.12.2024 Thủ tướng: Ngành VHTTDL tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nghĩ sâu làm lớn
- 18.12.2024 Chùm ảnh: Thủ tướng dự hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch
Cùng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong. Hội nghị được kết nối với các điểm cầu Văn phòng đại diện Bộ VHTTDL tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sáng 18/12, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành VHTTDL năm 2025 đã diễn ra tại Văn phòng Chính phủ và được kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các UBND cấp huyện…
Bộ trưởng khẳng định: "Đây là lần đầu tiên Hội nghị của ngành VHTTDL được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ với sự chủ trì của Thủ tướng và sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thành công lớn từ Hội nghị của ngành VHTTDL là chúng ta đã lan tỏa được văn hóa, hướng văn hóa về cơ sở vì chính cơ sở làm nên văn hóa, thể thao, du lịch".
Thành công thứ 2, theo Bộ trưởng, dù là Hội nghị có tính chất thường niên nhưng đã lan tỏa thông điệp, khát vọng bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế tự tin. Chúng ta đã đưa ra những nhận định, làm sâu sắc hơn nội hàm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiên tiến, đó là chúng ta dựa trên tính thời đại, nhưng đồng thời cũng tôn vinh bản sắc, không làm mất đi bản sắc.
Bộ trưởng cũng nhận định, Hội nghị cũng được kết cấu hợp lý, nội dung tham luận có chiều sâu, có thực tiễn, nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời Bộ VHTTDL đã phối hợp và nhận được sự phối hợp, sự hỗ trợ đầy tâm huyết và trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ.
"Đó là những thành công của Hội nghị kết thúc một năm của ngành nhưng mở đầu cho một năm mới với những thành công mới"- Bộ trưởng bày tỏ.
Gợi mở những tham luận, thảo luận tại Hội nghị phiên nội bộ, Bộ trưởng yêu cầu các đại biểu, trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và ngành trong năm 2025, thảo luận tập trung vào một số nội dung như chọn việc nào làm khâu đột phá, giải pháp nào để thực hiện, làm sao để linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, ngành đang có khoảng trống trong đầu tư cho nguồn nhân lực, khoảng trống này gồm cả về con người và nguồn lực kinh tế. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, cần xây dựng thể chế để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế đặc thù cho văn nghệ sĩ và trong đào tạo văn hóa nghệ thuật. Đồng thời cần có nghị định để có cơ chế chính sách, xã hội hóa trong văn hóa. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở lấy ví dụ với hệ thống thiết chế văn hóa, tại các trung tâm văn hóa mỗi địa phương có chính sách hoạt động khác nhau, vì vậy cần có chính sách chung trong vận hành, quản lý các thiết chế tại các địa phương.
Cũng theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, một lĩnh vực còn yếu đối với ngành là quản trị thông minh. Muốn quản trị thông minh phải đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa.
Về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, hiện toàn quốc có hơn 200 mô hình môi trường văn hóa cơ sở tiên tiến. Năm 2024, Cục Văn hóa cơ sở đã tổng kết và chia 7 nhóm theo tiêu chí. Trong năm 2025, Cục sẽ tổ chức các hoạt động chia sẻ, nhân rộng mô hình trong các địa phương.
Theo NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), trong năm 2025, Cục NTBD sẽ quyết liệt trong thực hiện xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là Nghị định văn học và chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc cũng cho biết, Cục NTBD cần đẩy mạnh số hóa trong thời gian tới. Hiện hệ thống dữ liệu tại Cục NTBD chưa được số hóa. Bên cạnh đó, năm 2025 là năm chẵn kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, Cục NTBD đang triển khai xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức các chương trình kỷ niệm. "Đối với việc sử dụng ngân sách trong đặt hàng tác phẩm văn hóa nghệ thuật, cần chú trọng đặt hàng đúng và hiệu quả. Sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng. Không phân phát đồng đều mà phân phát cho đơn vị sử dụng hiệu quả"- Cục trưởng Nguyễn Xuân Bắc nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cũng cho biết về lộ trình xây dựng Nghị định quy định về chính sách đặc thù trong đào tạo văn hóa nghệ thuật. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, thời gian qua, nhiều cuộc họp giữa Bộ VHTTDL với các Bộ liên quan đã được triển khai. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đồng ý để Bộ VHTTDL xây dựng dự thảo Nghị quyết báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội trong khoảng tháng 6/2025.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các đơn vị của Bộ VHTTDL có đơn vị hoạt động sự nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần phân rõ vai trò, không lấn sân, không lãng quên vai trò quản lý nhà nước.
Theo Bộ trưởng, các Cục, Vụ phải làm đúng vai trò quản lý nhà nước, phải là "người thầy" thực thụ chứ không thể "vừa làm thợ vừa làm thầy". Theo đó, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đơn vị quản lý.
Bộ trưởng cho rằng, Bộ còn thiếu các nghị định, thông tư, trong nghệ thuật biểu diễn, định mức trong du lịch, trong văn học, và sửa đổi 1 số điều về Nghị định quy định xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT… Bộ trưởng yêu cầu, trong quý I phải hoàn thành Nghị định về đào tạo đặc thù. Trong quý II phải hoàn thành Báo cáo khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Đối với đơn vị sự nghiệp, Bộ VHTTDL có các đơn vị đào tạo, đơn vị nghệ thuật biểu diễn và hoạt động bổ trợ, triển lãm. Theo Bộ trưởng, tinh thần chung, trong thời gian tới, các trường đại học phải thực hiện tự chủ. "Các trường phải sáng tạo, đổi mới trong cách làm, trong đào tạo con người, hướng tới tự chủ"- Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc triệt để thực hiện tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có dự kiến sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ kiểm soát chặt chẽ vấn đề đi nước ngoài.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những việc cần làm ngay trong thời gian tới. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chuẩn bị tâm thế thực hiện sắp xếp ổn định bộ máy, ổn định cán bộ, tinh giản những người không có năng lực, giữ chân người tài; Khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện lớn, công tác nhà nước về văn hóa; Xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức EXPO theo hướng chặt chẽ, không để sơ sót.
Đối với ngành du lịch, phải tăng cường quản trị điểm đến, dự báo khách quốc tế, du lịch mùa cao điểm. Biện pháp quản lý phải theo đúng nguyên tắc điểm đến an toàn, giá cả cạnh tranh.
"Sau một năm nỗ lực và quyết tâm cao, toàn ngành đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ nhưng cần phát huy tinh thần tự nhìn lại, soi mình và tự sửa. Điều quan trọng là đoàn kết. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương lớn của Đảng là sắp xếp tinh gọn bộ máy, không được nhân cơ hội để gây mất đoàn kết, làm xấu hình ảnh của đơn vị, của ngành"- Bộ trưởng nhấn mạnh./.