Những năm qua, các thư viện, phòng đọc tư nhân, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bạn đọc chọn sách trong Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2018.
Thư viện tỉnh đi đầu trong việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Thư viện hiện có hơn 2.000 thẻ bạn đọc, mỗi ngày trung bình có trên 200 lượt độc giả đến đọc sách báo, tra cứu thông tin. Để phát triển mạng lưới thư viện, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các thư viện huyện, thành phố và thư viện cơ sở tổ chức tốt các đợt luân chuyển sách và phục vụ lưu động đến khối trường học, khối các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức luân chuyển gần 18 nghìn bản sách đến các thư viện huyện, thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa xã… Ngoài ra, Thư viện tỉnh thường xuyên cử cán bộ xuống thư viện huyện, tủ sách cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Cùng với Thư viện tỉnh, các thư viện huyện, thành phố, tủ sách cơ sở hoạt động hiệu quả. Thư viện Vụ Bản có trên 5.000 bản sách, bao gồm: sách tổng hợp, báo, tạp chí, sách ngoại văn, sách thiếu nhi… Để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, Thư viện huyện phối hợp với các câu lạc bộ thơ trên địa bàn tổ chức sinh hoạt, tọa đàm; tổ chức hoạt động "Hè vui cùng thư viện" cho thiếu nhi, các hội thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách... Hàng năm, trước kỳ nghỉ hè, thư viện các huyện, thành phố đều tổ chức sắp xếp lại kho sách, đầu tư kinh phí mua bổ sung sách, truyện; tổ chức tuyên truyền để thu hút thiếu nhi đến đọc sách… Thư viện huyện Xuân Trường hiện có khoảng 6.000 bản sách với gần 2.600 đầu sách, báo, tạp chí thuộc nhiều chủng loại. Thư viện thường xuyên phối hợp với các trường tiểu học, trung học cơ sở các xã: Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Hồng, Xuân Hoà, Xuân Vinh, Thị trấn Xuân Trường… tổ chức các giờ học ngoại khoá, hội thi kể chuyện sách cho học sinh trong dịp hè… tạo sân chơi bổ ích cho các em. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, thư viện thường xuyên hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng không gian đọc, mua sắm bàn, ghế, quạt, đèn đạt tiêu chuẩn. Các đầu sách, báo, tạp chí thuộc các lĩnh vực: văn hoá, y tế, giáo dục, kinh tế, lịch sử… được bố trí hợp lý đáp ứng nhu cầu đọc và tra cứu thông tin của bạn đọc.
Với trên 3.000 tủ sách nhà văn hóa thôn, xóm, tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thị trấn và phòng đọc tư nhân, nhiều địa phương như: Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên… đã thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho nhân dân. Các xã: Phương Định (Trực Ninh), Liên Bảo, Minh Tân (Vụ Bản), Hải Trung (Hải Hậu) đã thành lập câu lạc bộ đọc sách, báo thu hút hàng chục hội viên tham gia. Nhiều phòng đọc tư nhân và tủ sách phục vụ cộng đồng như: Phòng đọc tư nhân của các ông: Đặng Văn Khảm, Nguyễn Văn Nam (Hải Hậu), Thư viện tại Bảo tàng Đồng Quê (Giao Thủy), Thư viện Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh). Phòng đọc Thiếu nhi ở Hải Hậu do ông Đặng Văn Khảm phụ trách luôn thu hút lượng lớn độc giả bởi thường xuyên đổi mới các đầu sách. Phòng đọc hiện có 50 nghìn bản sách; một số đầu sách sau khi phòng đọc sử dụng khoảng 2 tuần lại được bán rẻ hoặc luân chuyển xuống các cơ sở cho thuê sách, các phòng đọc trong huyện. Việc làm này tạo ra mạng lưới sách phục vụ hiệu quả bạn đọc trên địa bàn và là biện pháp thu hồi vốn để bổ sung sách mới. Nhờ cách làm sáng tạo, mỗi tuần phòng đọc được bổ sung từ 500-800 bản sách.
Hưởng ứng phong trào xây dựng "Tủ sách lớp học", tỉnh đã kêu gọi các công ty, các doanh nghiệp và cá nhân tích cực ủng hộ xây dựng gần 9.000 tủ sách lớp học ở các cấp học với 199 nghìn đầu sách, hơn 725 nghìn bản sách; tổng giá trị trên 14 tỷ đồng. Để khuyến khích học sinh đọc sách, các nhà trường từ tiểu học đến trung học phổ thông, tùy điều kiện thực tế đã xây dựng các mô hình: thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện lớp học... Nhằm nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các trường còn hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng cho các em chọn lựa các đầu sách hay. Ở một số thư viện trường học còn thực hiện phát thẻ đọc cho học sinh đọc sách trong các giờ ra chơi, chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách trên lớp; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức các hoạt động: thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể của khối… Nhiều trường học đã năng động, sáng tạo tổ chức thêm nhiều hoạt động để cổ vũ việc đọc sách của các em như: tổ chức các cuộc thi kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, tặng sách cho học sinh giỏi… Đến Trường Tiểu học A xã Hải Trung (Hải Hậu), chúng tôi thấy học sinh trong giờ ra chơi ngồi thành từng nhóm để tóm tắt về nội dung cuốn sách vừa đọc. Mỗi học sinh đều cố gắng kể về cuốn sách thật hay và kích thích sự tò mò để các bạn khác tìm đọc. Từ năm 2016 mỗi lớp học của trường được Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội tặng 1 tủ sách tự quản với khoảng 40-50 đầu sách. Sau khi đi vào hoạt động, mỗi lớp đều bầu Ban quản lý tủ sách. Số đầu sách thường xuyên được luân chuyển qua mỗi khối lớp nên đảm bảo học sinh được đọc tất cả các đầu sách. Trường Trung học cơ sở Hải Phương được Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội tặng 12 tủ sách lớp học, với hơn 200 đầu sách, số lượng gần 400 cuốn. Đồng thời, nhiều phụ huynh và học sinh đã tự nguyện đóng góp các cuốn sách hay nên hiện nay tủ sách các lớp học của trường đa dạng về chủ đề và phong phú về nội dung. Hàng tuần nhà trường tổ chức cho học sinh giờ đọc sách kết hợp giờ sinh hoạt lớp, thi giới thiệu sách hay tại lớp, giới thiệu sách trong giờ chào cờ đầu tuần... Để văn hóa đọc tiếp tục đi vào cuộc sống, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đều tổ chức chương trình "Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định" gắn với phát động "Chương trình sách hóa nông thôn", góp phần phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc. Thời gian tới, cùng với việc đổi mới phương thức hoạt động hệ thống thư viện từ tỉnh, huyện, các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách, từng bước nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới./.