(Tổ Quốc) - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 25/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT) đã thông tin về công tác triển khai kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...
Thông tin về công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024-2025, Sở GDĐT cho biết, trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được trong công tác huy động trẻ ra lớp năm học 2023-2024, Sở GDĐT tiếp tục triển khai việc tuyển sinh đầu cấp tại Thành phố. 100% các đơn vị tuyển sinh thông qua hình thức trực tuyến tại địa chỉ trang thông tin của Sở GDĐT https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn
Sử dụng nguồn dữ liệu tuyển sinh từ trang cơ sở dữ liệu của ngành GDĐT đã được xác thực dữ liệu dân cư Quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ. Triển khai áp dụng bản đồ GIS trên phạm vi toàn thành phố và bám sát kế hoạch tuyển sinh đầu cấp tại địa phương.
Đối với công tác tuyển sinh lớp 10, căn cứ Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/02/2023 của Bộ GDĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, năm học 2024-2025 TP.HCM ngừng tuyển sinh lớp 10 thường trong 2 trường chuyên của Thành phố là THPT Chuyên Lê Hồng Phong và THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Trên cơ sở đó nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, Sở GDĐT đã tăng chỉ tiêu ở các lớp chuyên của 2 trường chuyên trên.
Đối với tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố, ước tính tổng số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 loại hình công lập (gồm THPT, TT GDNN-GDTX) chiếm tỷ lệ 72% tổng số học sinh lớp 9 trên địa bàn Thành phố (số học sinh dự thi tuyển sinh 10 hàng năm thấp hơn số lượng học sinh tốt nghiệp THCS khoảng 15-20%).
Bên cạnh đó, học sinh có thể lựa chọn vào học tại các trường THPT loại hình tư thục (có 28.908 chỉ tiêu) hoặc tại 07 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Sở (có 10.135 chỉ tiêu). Ngoài ra, học sinh có thể lựa chọn học tại các trường nghề thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Sở đã xây dựng đầy đủ các phương án, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn Thành phố, đồng thời đáp ứng quy định về tuyển sinh, có lộ trình từng bước thực hiện theo Đề án phân luồng của Bộ GDĐT đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của năm 2025 và các mục tiêu thực hiện theo Chỉ thị 29-CT/TW ngày 05/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Cũng tại buổi họp báo, thông tin về Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sở GDĐT cho biết, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 07/3/2024 về phê duyệt Đề án Xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sở GDĐT đã tiếp thu, tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị và hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch trình UBND Thành phố phê duyệt ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố.
Tính đến nay có 02 công trình đã hoàn thành và dự kiến có khoảng 12 công trình trường học đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để có thể kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025, trong đó dự án Xây dựng mới Trường THCS Nguyễn Thái Bình trên địa bàn Quận 6 (đã hoàn thành vào đầu năm 2024) có quy mô lớn nhất gồm 40 phòng học và các khối phòng chức năng.
Sở cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trong thời gian qua, có những thay đổi mới về quy định trong các thủ tục về đầu tư công và các quy định liên quan khác về quy hoạch, đất đai… dẫn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải trải qua nhiều bước. Đồng thời, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số cơ học trên địa bàn Thành phố, yêu cầu thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị là thiết yếu; do vậy quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng trường học ngày càng hạn chế và thực tế rất nhiều các dự án xây dựng trường học hiện nay gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là khó khăn khá lớn đối với đặc thù của TP.HCM. Theo đó, chỉ tiêu trên được quy định để xem xét điều kiện đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, xét đạt tiêu chí trường đạt chuẩn các cấp độ đối với các công trình trường học hiện hữu và là cơ sở để tính phương án quy mô đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới trường lớp hoặc tính chất khác khi thực hiện dưới hình thức đầu tư bao gồm cả các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Điều này đã tạo không ít những khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.
Để tháo gỡ bất cập trên, Sở GDĐT đã có đề xuất kiến nghị và cùng với các sở ngành tham mưu UBND Thành phố báo cáo Bộ GDĐT và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ.
Sở cho biết, nhìn chung, hiện tại Thành phố đã đạt 294 phòng học/10.000 dân. Tuy nhiên tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và ở các cấp học. Trong thời gian tới, Sở GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tháo gỡ các khó khăn, quyết tâm hoàn thành Đề án theo đúng tiến độ đã đề ra.