(Tổ Quốc) - Tết đến xuân về, các gia đình miền Trung lại chuẩn bị cho mình những món ăn dân dã mà độc đáo của riêng mảnh đất này, như bánh tổ, bánh tét, dưa món…
Bánh tổ
Bánh tổ là một món ăn đặc sản vùng Quảng Nam, ước chừng có từ khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Tương truyền rằng, khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh, nhân dân miền Trung đồng lòng, muốn giúp sức cho vua nên đã chế biến ra món bánh tổ làm lương thực cho quân đội, có thể sử dụng ăn trong vài tháng liền. Ngày nay, người miền Trung vẫn làm món bánh tổ trong mỗi dịp Tết đến, xuân về, tưởng nhớ công lao của vua Quang Trung vào mùa xuân năm ấy. Món ăn này là sự kết tinh của những nguyên liệu dễ tìm và dân dã như đường đen, gừng, bột gạo nếp, vừng,… Cách nấu bánh tổ cũng cần sự tài tình và khéo léo. Người nấu cần đong đếm tỉ lệ sao cho phù hợp, khuấy bột cho đều tay. Món bánh làm ra không ngọt lịm mà lại có độ ngọt rất thanh, hòa cùng vị cay nóng của gừng thích hợp dùng vào tiết trời mùa xuân.
Bánh tổ. (Ảnh: vietnamtourism.com) |
Bánh tét
Từ xa xưa bánh tét đã như một phần tất yếu của mùa xuân trên dải đất miền Trung. Miền Bắc có bánh chưng, dưa hành thì miền Trung có bánh tét, dưa món. Những người con miền Trung xa xứ, mỗi dịp Tết đến xuân về, nghĩ đến những đòn bánh tét xanh, thơm mùi lá chuối lại thôi thúc họ trở về quê hương. Những mảnh đất nông nghiệp đã sản sinh ra món ăn thôn quê, chẳng cần cao sang, cầu kì như bánh tét làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ, thêm chút hạt tiêu, muối. Món bánh được gói trong lá chuối, thay vì lá dong như ở miền Bắc. Ngày xuân, người lớn, trẻ nhỏ sum vầy bên nồi bánh tét sôi sục đón một năm mới đầm ấm sắp sang.
Bánh tét. (Ảnh: tapchigiadinh.com.vn) |
Dưa món
Dưa món như được sinh ra là để “sánh đôi” cùng bánh tét, hay một số món ăn ngày tết khác của miền Trung như thịt heo ngâm mắm, thịt kho,… Không giống như dưa hành của miền Bắc, dưa món miền Trung được làm từ cà rốt, củ kiệu, đu đủ, su hào…, có vị ngọt, mặn đậm hơn. Khi thưởng thức dưa món ta sẽ thấy được vị mặn, ngọt, giòn giòn làm tăng thêm hương vị cho những món chính cho bữa cơm ngày tết.
Dưa món thường được ăn kèm với bánh tét, thịt heo ngâm mắm,... (Ảnh: Vnexpress) |
Thịt heo ngâm mắm
Thịt heo ngâm mắm là một món ăn vô cùng độc đáo. Không chỉ đơn thuần là thịt heo luộc, được chấm nước mắm khi ăn, mà những người dân miền Trung dường như biết cách làm “cầu kì”, tăng hương vị món ăn lên bằng cách thịt heo sau khi luộc chín sẽ được xếp vào hũ thủy tinh, đổ đầy nước mắm đã được nấu với đường vào trong. Lượng nước mắm và đường cần được tính toán vừa phải để món thịt heo không quá mặn hoặc không quá ngọt. Hũ thịt heo đã được đổ đầy nước mắm đường sẽ được ngâm khoảng ba ngày là có thể thưởng thức. Người dân miền Trung thường ăn kèm dưa món để vị bùi, thơm của thịt hòa quyện cùng vị ngọt, giòn của dưa.
Thịt heo ngâm nước mắm. (Ảnh: phunutoday.vn) |
Giò bò tiêu sọ
Nhiều gia đình người Việt khi cúng gia tiên, hay trong bữa cơm ngày tết không thể thiếu món giò. Giò bò tiêu sọ có thể nói là một trong những món đặc sản của miền Trung. Khoanh giò màu hồng đỏ không những tô điểm thêm vào màu sắc của mâm cơm mà màu đỏ còn là màu được quan niệm đem lại may mắn cho gia đình vào năm mới. Giò bò là một món ăn khá cầu kì trong cách làm, cần hết sức khéo léo mới có thể giữ được hương vị của thịt bò, mùi thơm cay của tiêu sọ. Nếu món giò bò tiêu sọ được làm đúng cách, từ một bàn tay khéo léo thì khi ăn chúng ta sẽ cảm nhận được sự giòn, dai quyện cùng hương thơm, cay của thịt bò, hạt tiêu. Đà Nẵng là một trong những vùng đất nổi tiếng với món ăn này.
Giò bò tiêu sọ. (Ảnh: amthuc365.vn) |
Trang Thùy