(Tổ Quốc) - Không chỉ chế tạo ô tô chạy bằng điện, cậu học trò lớp 9 Lê Thanh Ân còn có nhiều sáng chế có thể ứng dụng vào đời sống.
Chế ô tô điện từ đồ phế liệu
Lê Thanh Ân (SN 2003) hiện đang theo học tại lớp 9/4 Trường THCS Vinh Thanh, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Em là con đầu trong gia đình có 3 anh chị em. Dù thân hình gầy gò, sức khỏe không được tốt nhưng từ nhỏ cậu bé này đã có một niềm đam mê rất lớn với việc chế tạo. Từ năm học lớp 3, Ân đã có thể làm ra những chiếc ô tô, xe máy, máy bay điều khiển mô hình để chơi.
Lê Thanh Ân với chiếc ô tô điện bằng gỗ của mình. |
Ân cũng đặc biệt có một niềm đam mê rất lớn với ô tô, chính vì vậy mà em luôn ao ước có một ngày sẽ tự chế tạo và sở hữu riêng cho mình một chiếc. Đầu năm lớp 7, Ân bắt đầu bắt tay thực hiện ước mong của mình khi tự tay thiết kế mô hình, tận dụng những đồ phế liệu để chế tạo xe.
Ông Lê Thanh Châu (bố của Ân) chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng cấm không cho cháu làm vì sợ cháu mãi chơi mà bỏ bê việc học. Nhưng càng cấm nó lại càng làm, Ân còn nhịn cả ăn sáng dành tiền mua đồ về để chế xe ô tô. Thấy con đam mê quá nên tôi cũng cho cháu tiếp tục đam mê, nhưng đặt ra điều kiện là phải song song cả việc học nữa, nếu kết quả học tập mà kém thì phải ngưng ngay”.
Sản phẩm đầu tay của Ân được hoàn thành sau hơn 2 tuần mày mò, tìm hiểu. Tuy nhiên do xe sử dụng quá nhiều sức người để di chuyển nên em đã nảy ra ý tưởng nâng cấp cho xe chạy bằng điện. Sau một thời gian dài tự tìm hiểu cũng như tham khảo ý kiến của người thân, đến hè năm lớp 8, Ân đã bắt tay vào cải tiến chiếc ô tô của mình.
Sau 3 tuần miệt mài, chiếc xe cũng được hoàn thiện. Xe chạy bằng bình điện ắc quy có chiều dài khoảng 1,3m, chiều rộng 0,8m, chiều cao 0,5m, có hai chỗ ngồi và có thể chạy được khoảng 7km nếu đi hai người và sạc đầy điện.
Do xe chạy bằng điện nên không có khói bụi và rất thân thiện với môi trường. |
“Những kiến thức về ô tô em có được là qua mày mò và tìm đọc các tài liệu trên mạng internet. Tuy nhiên khi bắt tay vào chế tạo, em gặp rất nhiều khó khăn. Vừa làm em vừa tìm hiểu, sai ở đâu thì em sửa ở đó, em đã phải tháo ra lắp vào rất nhiều lần những chi tiết thiết kế, tính toán chưa phù hợp”, Ân chia sẻ.
Ân cũng cho biết thêm, vật liệu để em làm ra chiếc xe này chủ yếu được em tận dụng từ những thanh gỗ bỏ đi trong xưởng gỗ của bố mình. Chỉ những bộ phận quan trọng như bình ắc quy, dây ga, dây phanh thì em đặt mua trên mạng sau đó về chế lại cho phù hợp để lắp ráp nên chi phí cũng không lớn, chỉ khoảng 5,5 triệu đồng. Đặc biệt, do xe chạy bằng điện nên không có khói bụi và rất thân thiện với môi trường.
Nhiều sáng chế có ích
Ngoài sản phẩm ô tô điện làm bằng gỗ, Lê Thanh Ân cũng có nhiều sáng chế khác có ích trong cuộc sống. Một số sản phẩm của em đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học như “xe điện đa năng dùng cho người khuyết tật” đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo thanh niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế lần IX, năm 2016; giải nhất trong cuộc thi sáng tạo thanh niên, nhi đồng huyện Phú Vang.
Sản phẩm xe điện đa năng cho người khuyết tật của Ân trước đó cũng đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học. |
“Do thời gian chế tạo ra chiếc xe quá ngắn với ban đầu em chế tạo để thảo mãn đam mê chứ không có ý định đi dự thi nên sản phẩm còn nhiều lỗi. Sản phẩm chủ yếu làm từ đồ phế liệu nên chất lượng không được như mong muốn. Nếu có điều kiện chế tạo, lắp ráp thì chắc chắn những sản phẩm sau của em sẽ được cải thiện hơn nhiều”.
Được biết, sau khi dự thi sản phẩm xe điện đa năng của Ân đã được nhà trường hỗ trợ cải tiến thành một chiếc xe mới với hai tính năng thiết thực hơn trong cuộc sống đó là cắt cỏ và quét rác.
Ân cũng là người sáng chế ra “tàu điện chạy trên nước” làm từ xốp và gỗ có thể chở được từ 2 đến 3 người. Khi sản phẩm này hoàn thành, một số người dân nuôi tôm trong vùng thấy hữu ích còn tìm đến “đặt hàng” nhờ em làm để đưa về sử dụng đi lại trên hồ nuôi tôm.
Chia sẻ về cậu học trò Lê Thanh Ân, thầy Võ Văn Cần - Hiệu phó Trường THCS Vinh Thanh cho hay ngoài tính sáng tạo và đam mê học hỏi, Ân cũng là một học sinh chăm ngoan và lễ phép.
“Chiếc xe do Ân chế tạo là một sản phẩm tốt, có tính ứng dụng cao. Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng tôi tin với sức sáng tạo và đam mê của Ân, em sẽ làm tốt hơn thế nhiều. Tới đây nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho em tiếp tục tham gia dự thi các cuộc thi sáng tạo của huyện và tỉnh tổ chức”, thầy Ân nói.
Chia sẻ với chúng tôi, Ân cho biết ngoài chế tạo em cũng có niềm đam mê với đàn đàn Organ và âm nhạc. “Sau này nếu có cơ hội em sẽ cố gắng phát triển cả hai niềm đam mê này. Tuy nhiên, lựa chọn vào một trường có ngành chế tạo để trở thành một nhà sáng tạo trong lĩnh vực khoa học vẫn là mục tiêu lớn nhất của em” Ân tâm sự.
Thế Trung