(Tổ Quốc) - Trước những phản ứng mạnh mẽ về việc Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đến thăm một số bạn trẻ vừa thoát nạn sau khi sử dụng ma túy tại Chương trình Lễ hội âm nhạc vừa qua, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với BS.Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình về “làn sóng” phản ứng đối với việc Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đến thăm các nạn nhân sau vụ việc diễn ra tại Chương trình âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây vừa qua?
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đến thăm các nạn nhân sau sự việc diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: KTĐT |
BS. Khuất Thị Hải Oanh: Tôi thấy việc mọi người không đồng tình với việc anh Phó Chủ tịch UBND TP đi thăm các bạn trẻ vừa may mắn thoát khỏi “tử thần” sau sự việc diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây có phần không hợp lý.
Trong cuộc đời, ai chẳng có lúc làm những việc không hoàn toàn là đúng, huống hồ là người trẻ. Người trẻ thường muốn tìm hiểu những cái mới, cái lạ, cái bị cấm kỵ - từ những việc hàng ngày ta vẫn gặp như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định cho đến hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma tuý.
Các bạn đã phải đi cấp cứu trong lễ hội âm nhạc vừa rồi đã đứng một chân vào “cửa tử” rồi, việc lãnh đạo TP quan tâm, thăm hỏi, cũng là một cơ hội để tìm hiểu, để đến gần hơn với những bạn trẻ đã có hành vi dại dột, tôi cho là nhân văn, hợp với đạo lý và có trách nhiệm.
Ai có thể dám chắc rằng, bản thân, con cái, anh em của mình không làm những điều dại dột. Mọi người nên nghĩ lại việc lên án cay nghiệt đối với những bạn trẻ gặp nạn vì dại dột.
Phóng viên: Trong khi cả xã hội đang kêu gọi xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người không may bị HIV/AIDS thì việc lên án cay nghiệt với hành động dại dột của các bạn trẻ như vừa qua có phải là hơi quá đáng thưa bà?
BS.Khuất Thị Hải Oanh: Tôi nghĩ mọi người cần phải xem lại. Hỏi xem là trong cuộc đời mỗi người có bao nhiêu người đã từng say rượu. Say rượu là tình trạng mất kiểm soát. Mất kiểm soát ngay từ hành vi uống rượu của mình, thứ hai nữa khi say rượu mình dễ mất kiểm soát hành vi ví dụ như: nôn ọe, đi đứng loạng choạng hoặc có những hành vi phạm pháp luật như lái xe hoặc bạo lực. Có bao nhiêu người lớn, bạn trẻ đã say rượu. Việc các bạn trẻ sử dụng ma túy trong bầu không khí như thế là khó chấp nhận nhưng không phải là không thể hiểu được.
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ một chút về công việc mà Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng?
BS. Khuất Thị Hải Oanh: Chúng tôi có khá nhiều hoạt động liên quan đến ma túy. Kể từ khi thành lập đến bây giờ, chúng tôi đã cố gắng giúp cho mọi người hiểu hơn về ma túy theo cách công bằng và khoa học, từ đó có cách ứng xử với nó dựa trên bằng chứng và khách quan chứ không phải theo định kiến của xã hội.
Chúng ta cần có một cách nhìn nhân văn và độ lượng hơn đối với những người sử dụng ma túy. Để từ đó cách giúp đỡ, hỗ trợ họ chứ không phải là lên án cay nghiệt làm họ hết đường làm lại cuộc đời.
Trong đó, có cả những việc như dự phòng sử dụng ma túy, hỗ trợ để những người đã sử dụng thì không nghiện mà đã nghiện rồi thì làm sao để có thể làm lại cuộc đời và không bị lây nhiễm các bệnh.
Vâng, xin cảm ơn BS. Khuất Thị Hải Oanh!
Thế Công