• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hoá 15/12/2022 11:11

(Tổ Quốc) - Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ

Vùng núi, vùng sâu, vùng xa - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển. Để khơi dậy, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng, được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Thời gian qua, công tác phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở nói chung và cán bộ văn hóa vùng đồng bào DTTS luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

TS. Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Thông qua nhiều chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS nói chung và cán bộ văn hóa là người DTTS nói riêng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị và yêu cầu của tình hình thực tiễn đang đặt ra.

Thống kê về tình hình phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS trên phạm vi cả nước, báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, năm 2016, cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 162.120 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm 14,53% (nữ giới chiếm 49,2%); trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 10.398 người, chiếm 17,2%. Tỷ lệ cán bộ DTTS là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004-2009: cấp tỉnh là 20,23%, cấp huyện là 20,18%, cấp xã là 24,4%; nhiệm kỳ 2016-2021: cấp tỉnh là 16,91%, cấp huyện là 18,29%, cấp xã là 22,14%."

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trên nhiều địa bàn, nhất là vùng núi, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS vẫn còn thưa vắng.

"Nhiều xã do không tuyển dụng được cán bộ có chuyên môn về văn hóa nên phải điều động, bố trí cán bộ thuộc các lĩnh vực, chuyên ngành khác như tài chính, kế toán, y tế, nông lâm nghiệp phụ trách, kiêm nhiệm mảng văn hóa trên địa bàn. Do không được đào tạo bài bản, không có chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nên khi có tình huống văn hóa phức tạp nảy sinh thường lúng túng, bị động. Đồng thời, điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng, chính sách ưu đãi đối với họ còn chưa tương xứng, nhất là những cơ chế, chính sách mang tính pháp lý, ràng buộc để huy động sự tham gia của cộng đồng, nhất là người có uy tín.

Ngoài ra, các đề án về tuyển chọn, bố trí, luân chuyển cán bộ, trí thức trẻ ở miền xuôi lên vùng DTTS công tác lại chưa phát huy hiệu quả khi họ được đào tạo đúng về chuyên môn nhưng thiếu kinh nghiệm, chưa am hiểu tâm lí, tính cách, văn hóa của đồng bào" - T.S Nguyễn Huy Phòng chia sẻ thêm.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực thi công vụ và năng lực quản lý, của đội ngũ cán bộ văn hóa vùng DTTS, T.S Nguyễn Huy Phòng cho biết, cấp ủy và chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa đối với việc xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt chính sách ưu đãi, ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ để phát huy tài năng, sự nhiệt huyết và tinh thần cống hiến của họ cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn.

Đặc biệt, không ngừng quan tâm, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS. Đây là vấn đề mang tính then chốt, cơ bản để tạo nguồn cán bộ. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động, thuyết phục và tạo được sức hấp dẫn để đồng bào thấy được những lợi ích thiết thực của việc học, từ đó họ cho con em đến trường, nâng cao trình độ văn hóa.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm quan trọng được các cấp quản lý và cộng đồng quan tâm thực hiện

Cần sửa đổi thể chế, chính sách cho phù hợp

Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm quan trọng được các cấp quản lý và cộng đồng quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi giá trị văn hóa đòi hỏi phải chuyển đổi các thể chế và chính sách. Một số thể chế chính sách khi "va đập" với thực tiễn đã trở thành bất cập, thậm chí gây khó khăn cho vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị. Một số quan niệm cũ về giá trị văn hóa chậm được đổi mới, không phù hợp với thực tiễn gây cản trở cho thực hiện.

TS. Trần Hữu Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thể chế phi chính thức đóng vai trò rất quan trọng. Trong thể chế phi chính thức có hai thành tố nổi bật là tôn giáo, tín ngưỡng chi phối thế giới quan của người dân và cộng đồng là môi trường sản sinh và thực hành của các di sản văn hóa; hương ước là công cụ định hướng chuẩn mực quản lý xã hội, quản lý vấn đề bảo tồn di sản.

Mặc dù thế giới quan tộc người đóng vai trò rất quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không có điều luật cụ thể về thế giới quan tộc người, chỉ gộp chung tín ngưỡng, lễ hội vào trong các điều luật cụ thể. Thế giới quan các tộc người cũng ít được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá vai trò của nó với quản lý xã hội. Nhưng thực tế, hầu hết các di sản văn hóa nổi tiếng của các dân tộc thiểu số đều liên quan đến thế giới quan các tộc người như di sản thực hành Then của người Tày, Thái; di sản Xòe của người Thái; di sản tranh cắt giấy, tranh thờ; di sản múa thiêng, âm nhạc... trong các sinh hoạt tín ngưỡng và tang ca.

Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng hương ước theo tiêu chuẩn danh hiệu làng văn hóa có biến đổi và nảy sinh nhiều điều bất cập. Trước hết vào thập kỷ trước, bản hương ước đều do cán bộ tư pháp xã soạn thảo theo các nội dung chung chung, vận dụng vào thôn bản, buôn làng nào cũng được. Nội dung của hương ước gồm rất nhiều điều. Hầu hết các bản hương ước đều nhắc lại các văn bản luật một cách không cần thiết. Bản hương ước thông qua hội nghị dân thôn bản, buôn làng một cách hình thức.

Khi khảo sát ở một số xã như: xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình… thì hầu hết các gia đình không nhớ hương ước đề cập đến vấn đề gì. Các tiêu chí xây dựng danh hiệu làng văn hóa được vận dụng vào nội dung hương ước cũng bị xem nhẹ. Có tình trạng như Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai năm 2009 không phê duyệt hương ước vì nội dung quá chung chung, không phù hợp với người H'mông. Như vậy, chuẩn mực nếp sống văn hóa của thôn bản, buôn làng không được cộng đồng thực hiện nghiêm túc mà chủ yếu là thực hiện lấy lệ.

Qua đó, T.S Trần Hữu Sơn nhấn mạnh: "Vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng và hương ước cần phải được bổ sung vào Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, trong Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 đều không đề cập đến vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng với di sản văn hóa. Đây là một "khoảng trống" lớn của thể chế chính thức. Trong thực tiễn, nhiều cơ sở đảng, chính quyền ở các xã vùng dân tộc thiểu số coi các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân là mê tín dị đoan, thậm chí bài xích, ngăn cấm. Nhiều địa phương không phân biệt được giữa tín ngưỡng và mê tín. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý và người dân phải thay đổi quan niệm, nhận thức về vai trò tôn giáo, tín ngưỡng, vai trò của hương ước trong hoạt động thực tiễn".

Có thể khẳng định, thể chế chính sách và nguồn nhân lực là những nhân tố quan trọng để để khơi dậy tiềm năng, sức mạnh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần phải có thể chế chính sách về văn hóa đảm bảo tính bao quát, toàn diện, thống nhất trên cơ sở tôn trọng tính đặc thù văn hóa vùng miền, tộc người. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân cùng xây dựng, phát triển văn hóa, đặc biệt phát huy văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ