(Tổ Quốc) - Chấp hành tốt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động điện ảnh; Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các di tích, danh lam thắng cảnh; Khai thác và quản lý tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Quảng Trị.
Thừa Thiên Huế: Chấp hành tốt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động điện ảnh
Thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và "Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm phát triển lĩnh vực điện ảnh như: quy hoạch quỹ đất để xây dựng Trung tâm điện ảnh quốc gia, xây dựng Đề án phát huy công năng các rạp chiếu phim trên địa bàn thành phố Huế; đầu tư phương tiện phục vụ chiếu phim lưu động, phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng bào vùng sâu vùng xa với 500 buổi chiếu/năm đã thu hút hàng chục ngàn lượt người xem…Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi việc tổ chức các hoạt động phát hành phim, phổ biến phim, các hoạt động dịch vụ và giải trí điện ảnh, góp phần phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chính sách nhằm khuyến khích mọi tổ chức công dân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Hỗ trợ kinh phí cho việc tuyên truyền, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; phục vụ tại các khu vực miền núi, nông thôn; phục vụ cho các đối tượng thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân tại địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng cơ sở chiếu phim ngoài công lập; phối hợp, giúp đỡ các đoàn làm phim thực hiện quay phim, ghi hình góp phần quảng bá hình ảnh Huế đến với mọi du khách trong cả nước. Cải tạo cơ sở, vật chất, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật tại rạp chiếu phim Đông Ba và 03 Đội chiếu phim lưu động phục vụ tốt cho công tác phổ biến phim, phục vụ các liên hoan phim, tuần lễ phim nước ngoài…
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động điện ảnh trên địa bàn tỉnh luôn được triển khai thực hiện thường xuyên. Hàng năm UBND tỉnh giao Sở VHTT phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra toàn diện các cơ sở điện ảnh trên địa bàn tỉnh (tập trung tại thành phố Huế). Qua hoạt động kiểm tra, nhận thấy: các doanh nghiệp điện ảnh đều trang bị các thiết bị chiếu phim hiện đại, đảm bảo cho việc đa dạng trong lựa chọn các thể loại phim. Hầu hết các cơ sở điện ảnh trên địa bàn chấp hành khá tốt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động điện ảnh theo Luật Điện ảnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Thông qua hoạt động kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở điện ảnh kịp thời khắc phục những tồn tại để chất lượng hoạt động điện ảnh trên địa bàn ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân địa phương và du khách.
Nghệ An: Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các di tích, danh lam thắng cảnh
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Công điện của Bộ VHTTDL, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTT tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. Kết quả, tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã chủ động tạm dừng các hoạt động lễ hội, có phương án phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân dân, du khách thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo; đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời, báo cáo nhanh về Sở VHTT. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có) việc chấp hành các văn bản chỉ đạo.
Quảng Trị: Khai thác và quản lý tốt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được UBND tỉnh quan tâm, kịp thời chỉ đạo. Đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành việc quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; có kế hoạch sử dụng, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa – xã hội các cấp có trình độ đạt chuẩn, chuyên ngành đào tạo phù hợp, được bố trí việc làm đáp ứng tốt các nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao cơ sở.
Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã có 996/799 nhà văn hóa – khu thể thao thôn (vượt mục tiêu); có 107/125 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã, đạt tỉ lệ 85,6% (vượt mục tiêu 5,6%); có 9/10 huyện, thị, thành phố có Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao, đạt tỷ lệ 90% (đạt mục tiêu); có 6/10 huyện, thị, thành phố có Nhà thiếu nhi, đạt tỷ lệ 60% (vượt mục tiêu 30%)…