• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu

Văn hoá 23/05/2019 15:47

Sau hơn 18 năm triển khai thực hiện, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo sự lan tỏa, thấm sâu vào các mặt của đời sống xã hội. Nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại những bất cập. Tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2000 -2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, từ đó tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu.

Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000 – 2018. Ảnh: Trần Huấn

Nâng cao chất lượng danh hiệu

18 năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa. Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực, các tập tục không phù hợp dần được điều chỉnh, công tác quản lý lễ hội từng bước đi vào nề nếp... Tại Hội nghị đánh giá kết quả sau 18 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhân dân; đã trở thành sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 18 năm qua, phong trào đã trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Phong trào có sự phát triển mạnh mẽ, tác dụng tích cực, lan tỏa đến mọi lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt, việc xây dựng gia đình văn hóa, có truyền thống tốt đẹp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo đã góp phần to lớn trong việc duy trì, bảo vệ các tế bào lành mạnh của xã hội.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như sự phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; ở một số nơi chất lượng các phong trào cụ thể còn thiên về hình thức, thiếu chiều sâu; một số nơi việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ; thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội ở một số nơi còn dẫn đến tình trạng lãng phí...

Thủ tướng lưu ý, nhiều nơi còn nhận thức rằng thực hiện phong trào là trách nhiệm của riêng ngành văn hóa, chứ không phải là của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Từ đó dẫn đến chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, chưa đồng đều. Để Phong trào đi vào chiều sâu và bền vững, cần nỗ lực nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Nghị định 122/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17.9.2018 quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân dân phố văn hoá là một văn bản quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa cũng như tổng thể chất lượng phong trào trong thời gian tới.

Vật chất mà không có tinh thần thì...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để đưa phong trào đi vào chiều sâu, bên cạnh phát triển kinh tế phải đặc biệt quan tâm vấn đề văn hóa. Nếu đời sống vật chất không có tinh thần, không có văn hóa thì không có ý nghĩa nữa. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đổi mới cả nhận thức và hành động để tạo chuyển biến. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các cấp, trong từng cộng đồng dân cư và mọi lĩnh vực của đời sống. Cần tôn vinh, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, nhân văn và đấu tranh phê phán, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực.

Theo BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, nhìn lại chặng đường hơn 18 năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, việc đánh giá chất lượng phong trào cũng có ý nghĩa thiết thực nhằm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông Lương Đức Thắng (Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ) nhấn mạnh, phát động phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong 4 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết TƯ 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33/NQ-TW) cũng yêu cầu: Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào TDĐKXDĐSVH.

"Nghị quyết của Đảng yêu cầu các cấp ủy huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị tích cực tham gia. Phong trào TDĐKXDĐSVH phải tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành, từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...", ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

BCĐ TƯ Phong trào cũng nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm như xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc bình xét các danh hiệu thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của phong trào; chủ động đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh hạn chế... Một định hướng được xác định rõ là BCĐ TƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH xây dựng kế hoạch phối hợp các Bộ, ngành TƯ và địa phương triển khai toàn diện các nội dung. Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Trưởng BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Phong trào TDĐKXDĐSVH là một giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, ở từng người, gia đình, làng, xã, đơn vị văn hóa đến môi trường văn hóa. Tại cuộc họp gần đây của BCĐ, Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới cần chọn một số việc cụ thể, tập trung tạo chuyển biến và sức lan tỏa trong đời sống văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen thưởng và khắc phục kịp thời.

KON TUM: Đẩy mạnh phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt"

Theo BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Kon Tum, thời gian qua phong trào xây dựng "Người tốt, việc tốt" và các điển hình tiên tiến trên địa bàn luôn được quan tâm chỉ đạo. Năm 2018, có 4.100 tập thể, cá nhân được đề nghị tuyên dương, khen thưởng.

Năm 2019, BCĐ phong trào của Kon Tum phấn đấu đạt 79% tỉ lệ hộ được công nhận "Gia đình văn hóa"; 74% khu dân cư được công nhận "Khu dân cư văn hóa"; 5% số xã trong tỉnh đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 45% số xã có nhà văn hóa và thôn, làng có nhà văn hóa - khu thể thao thôn từng bước đạt quy định; 30% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; 45% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 68% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. P.V

NINH THUẬN: Đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Phong trào

Theo BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Ninh Thuận, năm 2019, để đạt được mục tiêu 29% trở lên tỉ lệ dân số tham gia luyện tập thường xuyên; 86% trở lên công nhận đạt chuẩn thôn, khu phố văn hóa/tổng số thôn, khu phố được xây dựng phát động; đạt 92% trở lên gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 95 % trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa..., các nhiệm vụ cụ thể được đưa ra gồm: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; gắn thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH với Phong trào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu, phát động và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, khu văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị năm 2019. P.V

Theo Báo Văn hóa

NỔI BẬT TRANG CHỦ