Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện
(Tổ Quốc) - Các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện để giải quyết các vấn đề khó khăn tồn tại.
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện, diễn ra ở Lâm Đồng ngày 15/11.
Luật Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Được coi là cột mốc quan trọng trong hoạt động thư viện thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Triển khai thi hành Luật Thư viện, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể gồm 1 Nghị định của Chính phủ; 11 Thông tư do Bộ VHTTDL ban hành (trong đó có 3 Thông tư quy định chi tiết các nội dung Luật giao). Trên cơ sở Luật Thư viện và các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa và tham mưu, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan phù hợp với đặc thù, bộ ngành và địa phương.
Bộ VHTTDL cũng tham mưu với Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 Đề án, Chương trình, 1 Chỉ thị (trong đó có 1 Đề án thực hiện từ năm 2017 tiếp tục thực hiện giai đoạn 2025); ban hành 15 văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền; ký kết 8 Chương trình phối hợp công tác với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Thống kê từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, đã có gần 400 văn bản liên quan được ban hành nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc, kế hoạch triển khai các đề án, chương trình, chỉ thị, Chương trình phối hợp công tác giữa các cơ quan đơn vị.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga, 5 năm thực thi Luật Thư viện của Bộ VHTTDL, mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì, củng cố và phối hợp với các thiết chế khác tạo thành môi trường văn hóa tại cơ sở phục vụ trực tiếp người dân. Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện ngày hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số. Phát triển văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ,...
Tuy nhiên, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn hạn chế, dẫn đến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đúng tiến độ nhưng hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Một số bất cập trong công tác phân cấp quản lý thư viện; phát triển nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ với người làm công tác thư viện;... Nhiều thư viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, việc duy trì và phát triển còn khó khăn,...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận khái quát kết quả hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc của mạng lưới thư viện nước ta; Chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; Đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện và một số giải pháp phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đánh giá các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị cũng như được tập hợp trong Kỷ yếu Hội nghị rất cụ thể, tâm huyết. Đây là những ý kiến cho cơ quan quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL tham khảo, tổng hợp chung về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thư viện để báo cáo cấp có thẩm quyền.
“Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ VHTTDL, chúng tôi xin cam kết sẽ khẩn trương có các chỉ đạo đối với cơ quan tham mưu quản lý nhà nước tích cực triển khai thực hiện. Đối với những lĩnh vực vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, có chỉ đạo kịp thời để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thư viện cũng như phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.
Nêu nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức vai trò, vị trí, ý nghĩa công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Chú trọng đổi mới công tác truyền thông, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của các cấp, các ngành của toàn xã hội về vai trò thư viện và phát triển văn hóa đọc. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc nhằm tổ chức thực thi Luật Thư viện có hiệu quả.
Đặc biệt, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện. “Đây là vấn đề hết sức quan trọng, được coi là cú huých giải quyết các vấn đề khó khăn tồn tại, nhất là tháo gỡ những khó khăn khoảng thời gian diễn ra dịch Covid-19”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói, thêm rằng trong thời gian tới sẽ có những thay đổi về quan điểm phát triển văn hóa của nước ta, mà ngành VHTTDL, trong đó có công tác hoạt động thư viện cần phải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để triển khai thực hiện.
Để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị thực hiện hiệu quả quy hoạch mạng lưới, thiết chế thư viện đã được giao; có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để kiện toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực.
Chủ động nghiên cứu, lựa chọn xác định các thư viện có vai trò quan trọng ưu tiên đầu tư để triển khai phát huy có hiệu quả nguồn lực và các nội dung chính sách ưu tiên cho thư viện rất quan trọng tại Quyết định số 991 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; phát triển mạng lưới thư viện bộ ngành, địa phương.
Đồng thời, chủ động hơn trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và với Bộ VHTTDL, trong đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên ngành làm cơ sở để triển khai sâu rộng tại địa phương nhằm tận dụng tối đa thế mạnh, nguồn lực của các cấp, các ngành phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc.
Cuối cùng là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người làm công quản lý và công tác thư viện từ trung ương tới địa phương nhằm chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập, những vấn đề sai sót (nếu có) trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thư viện và thi hành Luật Thư viện để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo, tháo gỡ, giải quyết,...