• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong các Bộ

Thời sự 29/12/2017 08:31

(Tổ Quốc) - Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển RED phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng nghiệp vụ báo chí (Cục Báo chí) tổ chức sáng 28/12 tại Hà Nội đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực trong công tác truyền thông nhà nước về chính sách và việc xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay.

Tham dự và phát biểu tại Hội thảo có đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin, Truyền thông), lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ TTTT, các bộ phận, đơn vị truyền thông của một số Bộ, các cơ quan ngang Bộ cùng các chuyên gia về lĩnh vực báo chí, truyền thông, các nhà báo hiện đang công tác tại các cơ quan báo chí.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề từ thực tiễn làm công tác truyền thông nhà nước để trao đổi giữa cơ quan quản lý báo chí và những người làm báo. Qua đó cho thấy, việc đào tạo kỹ năng truyền thông, phát ngôn cho cán bộ đang công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, địa phương đang cần được thúc đẩy và sự hợp tác, hỗ trợ của các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm trong cơ quan quản lý báo chí và truyền thông.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TTTT) cho rằng, truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt việc thông tin về những chính sách để người dân hiểu, đồng thuận với những chính sách vì lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhân dân do vậy, hội thảo cần tập trung vào thực trạng truyền thông chính sách thời gian qua, những kinh nghiệm thực hiện hiệu quả, những hạn chế, tồn tại để đưa ra những kiến nghị, những giải pháp để giúp truyền thông nhà nước thực hiện đúng vai trò, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp.

Ông Đỗ Quý Doãn (ở giữa)- nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội thảo

Ông Lê Văn Nghiêm (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại- Bộ TTTT) đã đưa ra những minh chứng về vai trò của người phát ngôn và cung cấp thông tin trong truyền thông chính sách thời gian qua và cũng nêu ra những bất cập như nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về phát ngôn chưa cao; phát ngôn chậm, bị động khi có sự kiện xảy ra… Vì vậy, truyền thông phải có kế hoạch xuyên suốt quá trình xây dựng chính sách: từ giai đoạn ý tưởng, soạn thảo, ban hành, thực thi, đánh giá tác động. Phải có con người và bộ phận làm truyền thông chuyên nghiệp.

Để thông tin kịp thời về chính sách cũng như những hoạt động của Bộ đến rộng rãi người dân, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm thông tin truyền thông (Bộ Tài nguyên, Môi trường) cho biết, Bộ đã chủ động mời nhà báo tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát của Bộ, thông tin kịp thời chủ trương chính sách ngay từ giai đoạn soạn thảo. Định kỳ tổ chức trao đổi ý kiến trực tuyến giữa lãnh đạo bộ với doanh nghiệp cả nước để lắng nghe phản hồi thực thi chính sách.

Và một khó khăn trong quá trình thông tin đến người dân là khó có các thông tin chuẩn xác về những vấn đề có tính chuyên ngành. Vì vậy đại diện Vụ Truyền thông, Bộ Y tế cho rằng cần phải tổ chức cho cơ sở giám sát thông tin có liên quan và ứng xử với cơ quan báo chí, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách cho toàn ngành.

Về phía các cơ quan báo chí tham gia Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông” cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực khi tham gia vào quá trình chuyển tải, đưa các thông tin từ các Bộ đến cho người dân. Tuy nhiên cũng có những ý kiến được đưa ra về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tin và đề xuất hướng tiếp cận cũng như giải pháp đế giải quyết thông tin điểm nóng cũng như có những cơ chế, chính sách cho hoạt động thông tin đối ngoại, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động này từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác, nhằm đảm bảo thông tin đối ngoại có thể phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn mới (bà Đoàn Thị Y Vi- Phó Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam)…

Bà Đoàn Thị Y Vi- Phó Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam: Nội dung phát ngôn chính thức chưa thỏa mãn nhu cầu muốn biết thông tin của độc giả nước ngoài

Nhân Hội thảo, RED cũng cho rằng, khi thực hiện công tác truyền thông nhà nước, cần cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ và có sự hợp tác với báo chí; tạo dựng không gian cho người dân tham gia, đưa ý kiến phản hồi; trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành phải được coi trọng, tuân thủ; tính chuyên nghiệp, đề cao lợi ích công, đạo đức công chức khi xử lý khủng hoảng truyền thông chính sách...

Qua các nội dung trao đổi tại Hội thảo “Truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông” đã khẳng định trách nhiệm truyền thông chính sách thuộc về chính cơ quan ban hành chính sách và chỉ có tổ chức thực hiện tốt thì chính sách mới đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận của đối tượng chịu sự điều chỉnh và người dân; Xác định rõ cách thức thực hiện, mô hình tổ chức bộ phận truyền thông chính sách trong quá trình soạn thảo và ban hành; Tham khảo một số mô hình hoạt động truyền thông ở các cơ quan quản lý nhà nước; Thực trạng thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước, kinh nghiệm xử lý một số sự kiện tại một số ngành đã có khủng hoảng truyền thông; Những khó khăn và đề xuất giải pháp của những người làm báo khi tiếp cận chính sách và tổ chức truyền thông chính sách...

Hội thảo cũng là tiền đề để chuẩn bị cho Luật Tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2018 sắp tới, khi nhu cầu thông tin của người dân và nhiệm vụ cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước được luật hóa, việc xây dựng một bộ máy truyền thông nhất quán, đủ mạnh để phục vụ các yêu cầu truyền thông của nhà nước đang là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước.

Võ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ