(Tổ Quốc) - Chuyên gia Nguyễn Dũng Hải cho rằng, áp dụng chuyển đổi số sẽ cung cấp hệ thống dữ liệu chính xác, khách quan, giúp cho hoạt động đánh giá pháp luật được cải thiện về số lượng, chất lượng và góp phần triệt tiêu thực trạng "Luật trên giấy".
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá là một trong những giải pháp để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ, quy trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá, đảm bảo nâng cao chất lượng của các văn bản pháp luật về văn hoá, phù hợp với quan điểm Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền.
Chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá là nhiệm vụ cấp thiết
Ông Nguyễn Dũng Hải, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Đại học Văn hoá Hà Nội cho biết, hiện nay công nghiệp văn hoá được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa). Có thể thấy ngành công nghiệp văn hoá có quan hệ mật thiết và nhận được sự quan tâm thường trực rất lớn của xã hội, gần gũi hàng ngày, hàng giờ với đời sống xã hội, tác động sâu sắc tới sự hình thành và phát triển của nền văn hoá Việt Nam.
Chính vì vậy, chuyển đổi số ứng dụng công nghệ để giúp các nhà làm luật, nhà quản lý chính sách pháp luật về văn hoá tiếp cận gần hơn với xã hội, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp, chuyên gia có thể tiếp cận dễ dàng hơn đến quá trình xây dựng luật và hoàn thiện pháp luật không chỉ là nhu cầu mà còn cần xem là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá.
Theo ông Nguyễn Dũng Hải, ứng dụng công nghệ 4.0 với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phân tích, đánh giá thông qua các mô hình giả lập để dự báo tác động của các quy định hay dự thảo quy định của pháp luật về văn hoá đối với các chủ thể xã hội, các quan hệ xã hội, từ đó đưa ra các phương án để nhà làm luật, nhà quản lý lựa chọn phương án tối ưu. Việc phát huy sức mạnh công nghệ giúp các nhà làm luật, nhà quản lý đáp ứng tốt hơn và có sự điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp.
Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng thực tiễn hoạt động đánh giá tác động pháp luật văn hoá thời gian qua vẫn chưa thực sự được coi trọng và còn những hạn chế nhất định. Điều đó có một phần nguyên nhân từ việc thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê chính xác, đầy đủ. Vì vậy việc áp dụng chuyển đổi số sẽ cung cấp hệ thống dữ liệu chính xác, khách quan, giúp cho hoạt động đánh giá pháp luật được cải thiện về số lượng, chất lượng, góp phần triệt tiêu thực trạng mà người dân vẫn gọi là "Luật trên giấy".
Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật về văn hoá
Theo ông Nguyễn Dũng Hải, thực tiễn thời gian qua, hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là khó khăn về thiết bị, hạ tầng, nhân lực, cơ sở dữ liệu… quy trình hoạt động xây dựng hoàn thiện pháp luật còn khá lạc hậu, thời gian thông qua một luật, nghị định hay thông tư, đặc biệt là các thông tư liên ngành trong lĩnh vực văn hoá diễn ra rất lâu, trong khi đó, dưới sự tác động của chuyển đổi số, thực tiễn cuộc sống sẽ diễn biến nhanh hơn rất nhiều khả năng đáp ứng quy trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá hiện tại.
Vì vậy để nâng cao hiệu quả vận dụng chuyển đổi số trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về văn hoá, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Đại học Văn hoá Hà Nội cho rằng cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chủ động thay đổi tư duy nhận thức về tính tất yếu của chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Sự xác lập nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ là tiền đề căn bản để xây dựng giải pháp khởi phát cho đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật.
Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực chuyển đổi số đối với tất cả các chủ thể có liên quan trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Thứ ba, đảm bảo nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi để vận dụng chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật văn hoá.
Thứ tư, đảm bảo tính công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình trong xây dựng hoàn thiện pháp luật. Việc công khai minh bạch dự thảo là cơ sở đầu tiên để huy động sự đóng góp vào quy trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về văn hoá của các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó, việc đảm bảo tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước vận dụng chuyển đổi số trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Giải pháp cuối cùng đó là nâng cao năng lực của người dân về chuyển đổi số. Phải tuyên truyền phổ biến để khuyến khích tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào quy trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về văn hoá thông qua hoạt động chuyển đổi số, qua đó tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều hơn nữa đến dự thảo.