• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

Giáo dục 18/12/2021 18:19

(Tổ Quốc) - "Trong thời gian tới sẽ tập trung, rà soát lại các nội dung bồi dưỡng thường xuyên; Đổi mới chương trình, nội dung tài liệu; Giảm tải hệ thống văn bằng chứng chỉ như chứng chỉ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên", ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT).

Ngày 18/12, Hội thảo "Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018" do Ban Quản lý Chương trình ETEP phối hợp với Sở GDĐT Bình Định và Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế tổ chức với sự tham gia của các cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục cùng hơn 100 giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó… các cơ sở giáo dục phổ thông.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên (GV) và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) về phát triển năng lực nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), đồng thời nghe ý kiến phản hồi của các thầy cô về mô hình bồi dưỡng mới, các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình mới của Bộ GDĐT đang triển khai thông qua Chương trình ETEP; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ GV&CBQLCSGDPT tự bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp đạt hiệu quả, thực hiện thành công Chương trình GDPT mới.

Một số định hướng đổi mới trong bồi dưỡng thực hiện chương trình GDĐT 2018 - Ảnh 1.

Hội thảo "Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018"

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc BQL Chương trình ETEP cho biết, mục tiêu cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đó là chuyển từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điều này được thể hiện rất rõ ở Chương trình GDPT2018, từ mục tiêu đến nội dung giáo dục, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả giáo dục đều hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Để thực hiện Chương trình GDPT mới, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần được bồi dưỡng một cách bài bản, thiết thực.

Bộ GDĐT thông qua Chương trình ETEP đã xây dựng 54 mô-đun tài liệu bồi dưỡng GV, CBQLCSGDPT. Toàn bộ các mô-đun bồi dưỡng đều hướng đến hỗ trợ các thầy cô giáo phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thành công chương trình GDPT 2018.

Từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 GV cốt cán và 4.000 CBQLCSGDPT cốt cán trong toàn quốc theo mô hình mới. Cho đến thời điểm này, đội ngũ GV cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng 5 mô-đun quan trọng. Ngay sau khi hoàn thành bồi dưỡng mỗi mô-đun, các thầy cô cốt cán đã triển khai hỗ trợ GV, CBQLCSGDPT đại trà trong toàn quốc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua Hệ thống LMS kết hợp với sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường với sự hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên chủ chốt từ các trường đại học sư phạm, Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP.

Tính đến ngày 01/12/2021, toàn quốc đã triển khai bồi dưỡng 4 mô-đun trên hệ thống LMS tại 58 sở GDĐT, trong đó Bình Định là địa phương trong nhóm đứng đầu về hoàn thành gần 100% đối với 4 mô-đun. Trường ĐHSP-ĐH Huế đã phối hợp chặt chẽ với 10 Sở GDĐT theo địa bàn được phân công, trong đó có Sở GDĐT Bình Định, ông Huấn cho hay.

Xác định những yêu cầu của GDĐT trong giai đoạn mới phải gắn liền với mục tiêu đổi mới giáo dục, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh trong xây dựng chương trình GDPT 2018 đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ GV&CBQLCSGD phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình SGK GDPT. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số định hướng như, rà soát lại các nội dung BDTX; Đổi mới chương trình, nội dung tài liệu; Giảm tải hệ thống văn bằng chứng chỉ như chứng chỉ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên. Sau này có thể là các Sở GDĐT công nhận việc BDTX hàng năm.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Lê Anh Phương- Hiệu trưởng trường ĐHSP - ĐH Huế cho rằng, việc BDTX cho đội ngũ GV là thường xuyên, liên tục, việc thay đổi tiếp cận trong giáo dục của chương trình ETEP đã nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu GDPT mới. Đội ngũ nhà giáo qua 6 mô-đun bồi dưỡng đã được nâng cao năng lực để phát triển nghề nghiệp. Trong khi dịch bệnh không thể triển khai trực tiếp nhưng vẫn thực hiện được thông qua lớp học ảo trên hệ thống học tập trực tuyến và cũng rất hiệu quả, nắm bắt được những nhu cầu của chương trình GDPT mới và có những thay đổi nhất định sau khi triển khai đánh giá năng lực, tiếp cận người học.

Trong thời gian tới, PGS.TS. Lê Anh Phương mong muốn bồi dưỡng nội dung về xử lí truyền thông, quảng bá hình ảnh nhà trường tới toàn xã hội; về nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho CBQL. Và đề xuất, ngoài quy trình BDTX, cần có các chuyên đề mở cho các trường ĐHSP ngoài ETEP, không nên áp đặt các chuyên đề cụ thể như đã ban hành. Cục Nhà giáo và CBQLGD nên tổ chức đánh giá về nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên. Về lâu dài cần quan tâm tới hệ thống các trường ĐHSP trên toàn quốc và đề nghị Cục Nhà giáo và CBQLGD có ý kiến để tất cả đội ngũ giảng viên không nằm trong 7 trường ĐHSP cũng được nắm bắt tinh thần và được bồi dưỡng. Thành lập trung tâm khảo thí của trường ĐHSP.

Một số định hướng đổi mới trong bồi dưỡng thực hiện chương trình GDĐT 2018 - Ảnh 2.

Các cán bộ, giáo viên tham dự Hội thảo tại điểm cầu Sở GDĐT Bình Định

Là một Sở GDĐT đã hoàn thành gần 100% 4 mô-đun bồi dưỡng đại trà của chương trình, Giám đốc Sở GDĐT Bình Định Đào Đức Tuấn chia sẻ, trên cơ sở kế hoạch của Bộ GDĐT, BQL ETEP, Học viện QLGD, trường ĐHSP - ĐH Huế, Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch đúng tiến độ, phân công rõ trách nhiệm của các bên. Công tác chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên. Hàng tháng có cuộc họp và luôn nắm sát tình hình hàng tháng.

Bên cạnh đó, Sở sắp xếp đội ngũ GV, CBQL đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Sở đã rà soát, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GDĐT đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Thường xuyên truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ GV, CBQL cũng như nhiệm vụ tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Coi việc bồi dưỡng là quan trọng hàng đầu để triển khai Chương trình GDPT 2018. Do vậy khi triển khai đổi mới SGK lớp 1, 2, 6 GV của tỉnh Bình Định rất vững vàng, không có vướng mắc gì.

Ngoài ra, Sở cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho đội ngũ GV, CBQL cốt cán tham gia bồi dưỡng và hỗ trợ GV đại trà, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chế độ hỗ trợ. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo rút kinh nghiệm sau khi kết thúc mỗi mô-đun. Sau mỗi mô-đun luôn họp bàn để khắc phục hạn chế.

Tham dự hội thảo, các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn từ thực tế bồi dưỡng tại địa phương - những biện pháp trước mắt và lâu dài để hoạt động bồi dưỡng thực sự hiệu quả và tham gia đóng góp các ý kiến thiết thực trong quá trình tập huấn triển khai chương trình GDPT 2018.

Thầy Phan Văn Hà - Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Chu Văn An tỉnh Bình Định, là 1 trong 8 CBQL CSGDPT cốt cán của tỉnh Bình Định cho biết, mô-đun khó nhất là mô-đun 4 Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Hiện nay đã là tháng 12/2021, các trường đang bắt đầu đánh giá thuận lợi khó khăn để chuẩn bị xây dựng kế hoạch giáo dục để sẵn sàng đổi mới lớp 10 vào năm tới. Khó nhất là làm sao dự đoán tình hình, sắp xếp để đáp ứng việc lựa chọn môn học của học sinh. Nếu Viettel hoặc các ứng dụng khác có thể có những phần mềm để tối ưu hóa việc lựa chọn môn của học sinh để sắp xếp nhân sự thì sẽ rất tốt.

Thầy Hà cũng cho biết, hiện nay chưa có chương trình cho trường chuyên và bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn cho chương trình chuyên để nhà trường sớm tính số lượng đội ngũ.

Ý kiến của thầy Hà cũng là băn khoăn của thầy Trần Hà Nam về chương trình dành cho trường chuyên. "Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi, sẽ cần có những thay đổi phù hợp với trường chuyên, từ hình thức dạy học đến kiểm tra đánh giá nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh. Xây dựng chuyên đề chuyên sâu và cách thức triển khai để thi học sinh giỏi hiệu quả trong xu hướng dạy học tích hợp", thầy Nam trao đổi về ý kiến này.

Một số ý kiến, đề xuất cũng được quan tâm tại hội thảo như ý kiến của cô Ngô Thị Thanh Phương - Tổ trưởng chuyên môn trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, như, về một số môn dạy học tích hợp thì sẽ tổ chức thi chọn học sinh giỏi như thế nào trong thời gian tới? Mong muốn Bộ xây dựng hệ thống bài tập, học liệu để đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực. Hay, Bộ cần điều chỉnh nội dung chương trình của các lớp 3, 4, 5 (đang theo chương trình hiện hành) cho dần phù hợp với chương trình 2018 để sau này các em tiếp cận chương trình mới được thuận lợi.

Cô Hoàng Thị Ngân, GV đại trà tỉnh Bình Định chia sẻ khó khăn khi một số mô-đun còn dài nên GV quá tải vì vừa phải dạy trên lớp vừa phải học mô-đun nên chưa kịp tiến độ… Cô Đỗ Thị Mỹ Chi - GV cốt cán môn Ngữ văn trường THPT Nguyễn Diêu, huyện Tuy Phước, cho hay, sau khi học xong phải tập huấn lại cho đại trà bằng hình thức trực tuyến, nhưng thầy cô đại trà ở các huyện miền núi còn lúng túng nhiều, đường truyền Internet rất yếu, GV không thể truy cập đăng kí lớp học. Việc học các mô-đun khá dày, lúc tập huấn lại trùng thời gian dạy học nên GV đại trà có thể hơi chậm nhưng GV cốt cán luôn đôn đốc để hoàn thành kịp tiến độ. Đồng thời thầy cô tranh thủ một số ngày đến trường tập trung để bồi dưỡng./.

V.Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ